Thứ hai, 08/06/2020,09:10 (GMT+7)
Hiệu quả mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Minh Sơn
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, trải qua nhiều thử thách, tâm huyết với ngành nông nghiệp, anh Lê Văn Long, thôn 1, xã Minh Sơn (Triệu Sơn) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao, giúp cây trồng phát triển tốt, cho thu nhập cao.
 
Hiệu quả mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Minh Sơn
2.000m2 dưa Kim Hoàng hậu của gia đình anh Lê Văn Long, xã Minh Sơn bắt đầu cho thu hoạch.
 
Là người tiên phong trong việc thực hiện mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong xã, sau khi tham quan mô hình ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) và tỉnh Lâm Đồng, anh Long đã bắt tay vào cải tạo 2.000m2 đất hai lúa năng suất thấp tại địa phương để đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng. Sau 4 tháng cải tạo và đưa vào trồng thử nghiệm, những trái dưa vàng óng, căng tròn, mũm mĩm đã cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả cao.
 
Vừa tự tay lựa những trái dưa cho thu hoạch trước anh Long vừa phấn khởi khoe: Dưa Kim Hoàng hậu từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 - 70 ngày. Giống dưa này cho năng suất cao hơn các loại dưa khác. Dưa sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát là có thể bảo quản được một tháng, để lâu thì vỏ có màu vàng đậm và ngọt hơn. Hiện loại dưa này đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Theo tính toán của anh Long, mỗi một năm có thể trồng được 3 vụ dưa Kim Hoàng hậu, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì 2.000m2 có thể thu hoạch từ 5 – 6 tấn dưa, với giá hiện tại khoảng 40.000 đồng/kg thì thu 1 vụ trừ chi phí lãi từ 120 - 140 triệu đồng.
 
Anh Long chia sẻ thêm: Việc trồng dưa trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Với hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt tuy mức chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng sẽ sử dụng được từ 8-10 năm mới phải thay thế và khi đã đầu tư thì sản xuất được quanh năm. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao áp dụng theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hiện, mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu công nghệ cao của gia đình anh Long đang giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 20 lao động địa phương. Thời gian tới, anh Long dự kiến sẽ mở rộng thêm mô hình nông nghiệp công nghệ cao khoảng 3.000m2 tại địa phương.
 
Tìm hiểu được biết, trồng dưa theo công nghệ này không cần dùng đất mà dùng giá thể, tức là hỗn hợp xơ dừa, vỏ lạc để thay thế đất. Cây được cung cấp dinh dưỡng bằng dung dịch thủy canh với thành phần chính là phân hữu cơ vi sinh pha với nước theo tỷ lệ nhất định để cung cấp dinh dưỡng cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Giá thể trồng dưa ngoài hỗn hợp xơ dừa, vỏ lạc còn được trộn với phân bò theo một tỷ lệ nhất định. Riêng phân bò cần ủ cho hoai mục và xử lý bằng men vi sinh, sau đó phơi khô để loại bỏ nấm mốc và sâu bệnh trước khi trộn với xơ dừa. Trong mô hình, dưa được trồng hàng kép với mật độ hàng cách hàng 1,4m, cây cách cây 40cm. Với 1.000m2 có thể trồng từ 2.500 đến 3.000 cây (mô hình áp dụng mật độ 2.500 cây). Sau khi trồng được 7 - 10 ngày, bắt đầu treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn bằng ong hoặc thụ phấn thủ công cho dưa lưới. Khi đã đậu quả, mỗi cây chỉ để lại 1 - 2 quả. Khi quả có đường kính từ 2 đến 4cm tiến hành hãm ngọn, tỉa quả, lúc này chỉ để lại mỗi cây 1 quả để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thụ phấn, chăm quả cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 70 đến 75 ngày. Phương pháp thu hoạch là hái quả, nhổ bỏ cây, tiến hành xử lý đất, vệ sinh nhà lưới cho vụ trồng tiếp theo.
 
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với người nông dân trên địa bàn xã Minh Sơn nói riêng và huyện Triệu Sơn nói chung trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay, bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như thị trường đầu ra sản phẩm. Vì vậy, anh Long cũng như nhiều nông dân tại địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương về kỹ thuật và vốn sản xuất để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
 
Trường Giang - (thanhhoa.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu