Cô giáo Trần Thị Phương Hoa, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Cương Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ: Sau khi hoàn thành bồi dưỡng giáo viên về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực (5 phẩm chất chủ chốt và 10 năng lực cốt lõi của học sinh trong chương trình GDPT mới), việc kiểm tra đánh giá học sinh đã thuận lợi hơn rất nhiều. Khóa bồi dưỡng cung cấp nhiều phương pháp, kỹ năng phù hợp với đặc thù môn học để giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khoa học, hiệu quả, chính xác. Quá trình áp dụng nội dung bồi dưỡng vào thực tế dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, bản thân nhận được sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên cốt cán trong huyện. Không chỉ trao đổi, giải đáp trên hệ thống các phần mềm trực tuyến; hai giáo viên cốt cán môn Mỹ thuật của huyện Lục Nam còn dành nhiều thời gian để điện thoại trực tiếp nhằm hướng dẫn kỹ lưỡng, kịp thời các nội dung giáo viên đại trà còn thắc mắc, vì vậy chất lượng khóa học rất hiệu quả. Theo chương trình GDPT mới, giáo viên bộ môn cũng tham gia vào đánh giá chuyên sâu từng học sinh đối với môn học mình phụ trách. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn có sổ cá nhân để ghi lại nhận xét, đánh giá học sinh thường xuyên, liên tục.
Sau khi hoàn thành bồi dưỡng CBQL đại trà theo kế hoạch, tìm hiểu chương trình GDPT mới và sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phẩm chất năng lực học sinh, cô giáo Trần Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn số 2 (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Công tác bồi dưỡng theo chương trình GDPT mới có nhiều điểm tích cực, trong đó phải kể đến chất lượng các tài liệu bồi dưỡng. Những tài liệu được biên soạn công phu, khoa học, thông tin ngắn gọn, súc tích, giúp người học dễ nắm bắt kiến thức. Tài liệu học sử dụng đa dạng phương thức truyền tải, có cả kênh chữ, kênh hình với hệ thống bài tập được thiết kế phù hợp, giúp việc học không bị nhàm chán. Cách thức bồi dưỡng mới cũng giúp người học kiểm soát được chất lượng và tiến độ học, đồng thời giúp ghi nhớ các nội dung vừa nghiên cứu, tránh bị trôi kiến thức như xem vi-đê-ô thông thường. Bên cạnh đó, tài liệu được cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), giúp GV, CBQL không bị tụt hậu so với các yêu cầu mới.
Theo các GV, CBQL, mô hình bồi dưỡng trực tuyến theo chương trình ETEP với việc ứng dụng đến mức cao nhất công nghệ thông tin đã khắc phục được tình trạng thiếu chính xác, rơi rụng kiến thức như mô hình bồi dưỡng trước đây. Hiện nay, tất cả GV, CBQL, từ cốt cán đến đại trà đều được tiếp cận tài liệu bồi dưỡng gốc do chuyên gia đầu ngành của các trường đại học Sư phạm chủ chốt biên soạn, dưới sự góp ý của chuyên gia quốc tế, sự phê duyệt của Bộ GD và ÐT. Việc học trực tuyến, giúp tiết kiệm về thời gian, không gian học tập và kinh phí cho GV, CBQL. Với hệ thống tài liệu đào tạo được cung cấp đầy đủ, có sẵn trên phần mềm học trực tuyến, GV, CBQL, có thể thuận tiện nghiên cứu nhiều lần, vào mọi lúc, mọi nơi.
Một trong các mục tiêu trọng tâm của chương trình ETEP là phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV và CBQL để thực hiện chương trình GDPT mới thông qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, kết hợp giữa các phương thức trực tuyến, trực tiếp và sinh hoạt chuyên môn. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, trước đây bồi dưỡng theo hình thức cán bộ là GV ở cấp T.Ư rồi chuyển giao cho GV cấp tỉnh và tiếp đến cấp quận huyện, cứ mỗi một lần chuyển giao lại "rơi mất" một ít. Vì vậy, triển khai mô hình bồi dưỡng mới theo chương trình ETEP thì GV cốt cán hay GV đại trà đều được bình đẳng tiếp cận tài liệu gốc trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Giảng viên sư phạm sẽ giúp giáo viên cốt cán tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hướng dẫn giáo viên đại trà tự học. Giáo viên cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp tự học trên LMS và thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn mang lại hiệu quả tích cực. Tính đến tháng 3- 2021, Chương trình ETEP đã hoàn thành bồi dưỡng cho hơn 28 nghìn GV, CBQL cốt cán; 344.503 GV, CBQL đại trà, góp phần tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đạt kết quả tốt.