Thứ năm, 02/04/2020,10:59 (GMT+7)
Hiểu rõ hơn về bệnh lý u tuyến yên
U tuyến yên là một trong bốn loại u trong sọ hay gặp nhất (u di căn não, u màng não, u tế bào thần kinh đệm và u tuyến yên), phát triển từ tế bào tuyến yên. Đây là u lành tính, phát triển chậm, nằm ở hố yên (ở nền sọ ngay phía sau gốc mũi). Tuyến yên tiết nhiều nội tiết tố quan trọng điều khiển nhiều tuyến nội tiết khác của cơ thể.
Hiểu rõ hơn về bệnh lý u tuyến yên
Các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật thần kinh đánh giá tình trạng người bệnh bị u tuyến yên trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.
 
Mỗi năm các bác sĩ chuyên khoa thần kinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị và phẫu thuật hơn 400 người bệnh u tuyến yên. Đây là một trong những cơ sở y tế điều trị bệnh u tuyến yên số lượng lớn nhất tại Việt Nam. PGS,TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: Bệnh lý u tuyến yên khá hay gặp. Theo nhiều nghiên cứu, cứ 10 người trưởng thành có một người bị u tuyến yên. Nhưng phần lớn những khối u tuyến yên này rất nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng hoặc không bao giờ có dấu hiệu gì và không cần điều trị. Người bệnh u tuyến yên phải điều trị chiếm tỷ lệ rất thấp. Khối u tuyến yên chiếm 25% khối u trong sọ được phẫu thuật.

Có nhiều cách phân loại u tuyến yên. Dựa theo tế bào tiết nội tiết tố có thể chia u tuyến yên thành hai nhóm (u tăng tiết và u không tăng tiết); dựa theo kích thước cũng chia u tuyến yên thành hai nhóm, u tuyến yên nhỏ (nhỏ hơn 1cm) và u tuyến yên lớn (lớn hơn hoặc bằng 1cm). Cũng có thể dựa theo tốc độ phát triển chia u tuyến yên thành hai nhóm, u tuyến yên phát triển chậm và u tuyến yên phát triển nhanh… Giống phần lớn các khối u trong sọ hoặc khối u khác, nguyên nhân gây bệnh khối u tuyến yên chưa rõ, một số ít trường hợp có tính di truyền như gia đình bị bệnh khổng lồ. Dấu hiệu người bệnh bị u tuyến yên phụ thuộc nhiều vào loại nội tiết tố khối u tiết ra, kích thước, vị trí, mức độ phát triển của khối u.

Khối u tuyến yên phát triển thường gây ra ba nhóm dấu hiệu: Tăng tiết prolactin khiến người bệnh bị mất kinh nguyệt, chậm kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa ở vú (mặc dù không có thai, không có kinh). Một số người đi chữa vô sinh nhiều năm mới phát hiện bị u tuyến yên tăng tiết prolactin. Người bệnh nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm hoặc mất cương, bất lực. Tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng GH (growth hormone) gây cho người bệnh xuất hiện nhiều rối loạn như to đầu chi, mặt to, trán rộng, trán dô, cằm rộng, môi dày, da thô, bàn chân và ngón chân to (người bệnh không tìm được giầy vừa chân), bàn tay và ngón tay to (không đeo được nhẫn)… U tuyến yên tăng tiết ACTH gây bệnh Cushing. Người bệnh thường có dấu hiệu tăng cân, vết rạn da ở bụng, đùi, tay… cơ nhẽo, bụng to, tay chân nhỏ.

Khối u tuyến yên nằm ngay ở hố yên, phía dưới giao thoa thị giác cho nên khi u lớn sẽ khiến người bệnh bị nhiều rối loạn nhìn như nhìn mờ, bán manh. Khi bị bán manh, người bệnh chỉ nhìn thấy hình ảnh ngay phía trước mặt, không nhìn được vật ở phía bên ngoài thái dương (bán manh thái dương), hoặc không nhìn thấy vật ở phía trong (bán manh phía mũi). Một số người bệnh nhận thấy được dấu hiệu bán manh, một số chỉ được bác sĩ phát hiện khi khám bệnh. U chèn ép trong sọ gây tăng áp lực trong sọ như đau đầu, nôn, buồn nôn, rối loạn ý thức… thậm chí hôn mê.

PGS, TS Đồng Văn Hệ cho biết thêm, u tuyến yên thường không phải là ung thư, do đó không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, khi tăng trưởng, chúng có thể chèn ép lên các thần kinh và mạch máu quan trọng. Biến chứng nghiêm trọng nhất là tình trạng mất thị lực hoàn toàn xảy ra khi thần kinh thị giác bị hủy hoại nặng. Bản thân khối u hoặc việc cắt bỏ khối u có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết vĩnh viễn. Cần xử trí bằng liệu pháp bổ sung hormon.

Có nhiều phương pháp điều trị u tuyến yên. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u thường rất cần thiết, nhất là khi khối u gây chèn ép thần kinh thị giác, và có thể dẫn đến mù lòa. Trong phần lớn trường hợp, u tuyến yên được cắt bỏ qua đường mũi hoặc qua các xoang. Tuy nhiên, một số u không thể phẫu thuật được bằng các đường kể trên và phải mổ cắt bỏ u xuyên qua sọ. Xạ trị cũng được dùng để giảm thể tích khối u. Có thể phối hợp xạ trị với phẫu thuật hoặc sử dụng xạ trị đơn độc ở những trường hợp không thể phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giúp giảm thể tích một số loại u…
 
NGUYỄN HƯƠNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu