Thứ tư, 17/06/2020,15:31 (GMT+7)
Hỗ trợ nhà vườn giữ hàng trăm ha chôm chôm đặc sản
Mùa khô 2019-2020, hạn, mặn xuất hiện sớm và kéo dài, độ mặn tăng cao so với mọi năm đã ảnh hưởng nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của tỉnh Trà Vinh.
 
 
Tại huyện Cầu Kè, địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh, với gần 9.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh, hầu hết các vườn chôm chôm đều bị thiệt hại, giảm năng suất trên 70% diện tích. Không chỉ giảm năng suất, chất lượng quả cũng giảm đáng kể nên đến kỳ thu hoạch, nhà vườn phải “bán đổ bán tháo”. Nhiều nhà vườn trắng tay và đắn đo trước lựa chọn khôi phục hoặc đốn bỏ vườn chôm chôm hàng chục năm tuổi.

Vườn chôm chôm 0,6 ha, với hơn 80 gốc trên 45 năm tuổi của gia đình ông  Lê Văn Lâm, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè vừa bị đốn hạ. Mặc dù rất tiếc nhưng ông quyết định trồng thay thế bằng cây chanh hoặc cây ổi. Bởi theo ông Lâm, cây chôm chôm khá "nhạy" với nước mặn.

Trong khi đó, những năm gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, Trà Vinh thường xuyên bị mặn xâm nhập khiến các vườn chôm chôm giảm năng suất đáng kể. Nếu năm 2010, vườn chôm chôm 0,6 ha này cho sản lượng 13-14 tấn thì những năm gần đây chỉ còn 3-4 tấn. Năm nay, vườn chôm chôm của nhà ông bị cháy lá, rụng trái non khá nhiều nên sản lượng chỉ còn 2,8 tấn quả.

Cũng bị thiệt hại 0,5 ha chôm chôm, nhưng bà Đặng Thị Thanh, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè không chọn giải pháp đốn hạ, chuyển đổi cây trồng khác mà quyết định giữ lại toàn bộ diện tích chôm chôm và tìm cách khôi phục vườn cây. Bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Bà Thanh chia sẻ, hàng năm vườn chôm chôm của gia đình luôn cho sản lượng từ 8-9 tấn quả, nhưng năm nay chỉ còn hơn 1 tấn. Phần lớn cây chôm chôm trong vườn của bà Thanh đều bị khô cành, cháy lá, thiếu sức sống.

Ông Phan Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết, mùa khô 2019-2020, tình hình hạn mặn trên địa bàn rất khắc nghiệt, làm ảnh hưởng trực tiếp nhiều vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây chôm chôm và sầu riêng.

Theo thống kê, địa phương có 583 hộ bị thiệt hại gần 270 ha cây ăn trái; trong đó, hơn 238 ha bị thiệt hại trên 70% diện tích. Hiện địa phương đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ nhà vườn khắc phục thiệt hại để tái sản xuất; đồng thời đầu tư lắp đặt 9 ống bọng ngăn mặn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng vận động nhà vườn thực hiện các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là sử dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước để đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho vườn cây những tháng mùa khô và nước mặn xâm nhập.

Chôm chôm Cầu Kè là loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh vì cho vị ngọt thanh, cơm dày và tróc hột, hiếm địa phương nào có được. Để vườn chôm chôm  có thu nhập, nhà vườn phải mất từ 3-5 năm đầu tư và chăm sóc nên không ai đành lòng đốn bỏ. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên nhà vườn rất lúng túng trong việc tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Bà Nguyễn Thị Lùng , Phó trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho biết, cây chôm chôm thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn (chỉ chịu được nồng độ mặn 0,5 - 1g/l). Thêm nữa, hệ lụy của hạn, mặn từ năm 2016 khiến cây chôm chôm địa phương chưa phục hồi hoàn toàn, cùng với việc khai thác quá mức của người dân làm cây suy kiệt. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các vườn chôm chôm đặc sản của tỉnh đều giảm năng suất trên 70%.

Để khắc phục kịp thời vườn cây chôm chôm bị ảnh hưởng do hạn, mặn, nhà vườn cần đôn cây, trẻ hóa bằng cách cắt tỉa những cành khô héo; đặc biệt là tỉa bỏ bớt trái còi, giúp cây tập trung dinh dưỡng để phục hồi.

Cùng với đó, nhà vườn cần nạo vét kênh mương, tận dụng nguồn nước mưa và nước ngọt đưa vào mương, thường xuyên tưới cho cây, nhằm rửa mặn cho  đất do muối tích tụ, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi; tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ nhằm tăng tính chống chịu, cải thiện điều kiện phát triển cho cây trồng, bón vôi nung (CaO; liều lượng 3-5 kg/gốc) để giải phóng muối (Na+) ra khỏi keo đất tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, bổ sung chất hữu cơ, lân và Kali, tăng hàm lượng K+ trong cây, từ đó hạn chế sự hấp thu Na+ vào cây, hạn chế cây ngộ độc do Na+; tăng cường phun phân bón lá có chất canxi, magie, silic và các dạng phân chứa hàm lượng hữu cơ cao K-humat, Humic,… giúp cây tăng sức đề kháng cho cây.

Do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nên nhà vườn cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ. Khi cây có bộ rễ mới thì cần bón phân lân, phân NPK (lượng phân bón áp dụng theo qui trình kỹ thuật bón phân) và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng để giúp cây sớm phục hồi.

Đặc biệt, nên cào lớp lá và xới nhẹ quanh gốc trước khi bón phân sau đó tủ lại gốc, kết hợp với việc xử lý Trichoderma hoặc một số chế phẩm có chứa vi sinh vật giúp phân hủy lớp lá trên mặt liếp tạo nên lớp hữu cơ giữ ẩm cho đất trong điều kiện hiện tại.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp lưu ý nhà vườn tuyệt đối không sử dụng các loại sản phẩm kích thích ra hoa, ra đọt non… tưới vào gốc cây vì rễ còn yếu  trong giai đoạn này, nhất là đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi. Lúc này cần giúp cho cây mau phục hồi, giúp mau ra rễ mới. Đối với các vườn chôm chôm già cỗi, nhà vườn có thể chuyển đổi sang các loại cây trồng thay thế khác thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay để tăng hiệu quả sản xuất./.
 
Thanh Hòa/TTXVN
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu