Hiểu rõ bản thân
Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc chặng đường 12 năm đèn sách, nếu như không diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh thì cũng đã mang tới vô cùng nhiều áp lực cho học sinh. GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng “tiếng lòng” của học sinh hiện nay là “cần có người hiểu mình, có người đồng cảm và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mình”. Với sự thấu hiểu đó, GS Huỳnh Văn Sơn đã có những gợi mở dành cho các em.
Đầu tiên, GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng các em cần hiểu rõ bản thân, từ đó tự đánh giá thế mạnh, điểm yếu, điểm cần rèn luyện của bản thân. Để đạt được mong muốn nào đó, học sinh cần tự đặt ra mục tiêu trong thời gian nhất định với lịch trình rõ ràng và tập trung thực hiện.
GS, TS, Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Sự hiểu biết về chính mình sẽ giúp học sinh biết đặt ra mục tiêu phù hợp nhất. GS Sơn đã sử dụng một thực nghiệm quen thuộc trong tâm lý học bằng một lọ đựng thóc. Với chiếc lọ này, mỗi người có thể đặt ra rất nhiều câu đố với cấp độ khó, dễ khác nhau, như có bao nhiêu hạt thóc trong lọ, làm cách nào để tách vỏ hạt thóc nhanh nhất hay làm tất cả các hạt thóc nảy mầm, …
“Câu hỏi dễ hay khó là do chúng ta. Để cân bằng tâm lý thì không nên đặt ra mục tiêu quá cao so với mình” - GS khuyên học sinh không nên quá cầu toàn, đa mang, ít nhất là trong mùa dịch này.
Không chỉ phù hợp bản thân, mục tiêu khả thi phải phù hợp hoàn cảnh phòng, chống dịch. Theo đó, học sinh cần sự tỉnh táo và sự hy sinh nhất định để thích nghi với hoàn cảnh. Những mong muốn như phải được thoải mái, được vui chơi, giao lưu với bạn bè; phải học trực tiếp, học được đầy đủ tất cả những kiến thức, kỹ năng có liên quan… là không phù hợp điều kiện hiện nay.
Khi đã có mục tiêu phù hợp, vừa sức, học sinh cần có kỷ luật và kiên quyết tuân thủ kế hoạch của mình, cũng như những quy định chung như trong lớp học online, thực hiện bài tập, …
Tuy nhiên, một khi đặt ra mục tiêu, kỳ vọng, học sinh thường có xu hướng tự gây áp lực với chính mình. Các em không khỏi lo nghĩ, liệu học online thì mục tiêu có đạt được như mong đợi không. Nhất là trong khoảng thời gian nghỉ ở nhà khá dài, các em thường so sánh và chỉ mong muốn được đi học trực tiếp; các em nhớ mối quan hệ thân thiết với thầy cô, bạn bè gắn với những dấu ấn, kỷ niệm ở trường, lớp, … Khi một số kế hoạch không thực hiện được, học sinh không còn cảm giác hưng phấn với cuộc sống. Các em cũng có thể bị dồn nén cảm xúc, chu kỳ sinh học và nhịp tâm lý rơi vào khoảng không của tính “ì”, dẫn tới mệt mỏi, căng thẳng.
GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, mặc dù thầy cô, gia đình có thể hiểu những vấn đề tâm lý nảy sinh đó, nhưng để khắc phục được, các em cần khả năng tự điều chỉnh bản thân, sao cho cân bằng từ ngay trong nhận thức, cảm xúc và hành động. “Hãy lựa chọn và tự điều chỉnh, bởi chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi thứ được diễn ra theo ý muốn của mình trong điều kiện học online vì dịch bệnh”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, cân bằng tâm lý không chỉ ý nghĩa với người trẻ mà còn dành cho cả người trưởng thành. Nhiều người có kinh nghiệm sống vẫn nhận ra rằng, nếu như liên tục lặp lại một số hoạt động, có thể dẫn tới cảm giác chới với về mặt tâm trạng và mất đi sự cân bằng. Một số hành vi mà người trưởng thành cũng phải đảm bảo tuân thủ như: giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đúng cách, hạn chế di chuyển ra ngoài theo nguyên tắc cách ly, giãn cách xã hội. “Tất cả những điều đó diễn ra như biểu hiện bình thường về đời sống tâm lý, con người đều phải tự điều chỉnh”, GS Sơn đánh giá.
Hiểu rõ bản thân cũng là điều kiện tiên quyết khi học sinh định hướng nghề nghiệp. Chuyên gia tâm lý cho rằng, không phải cứ chạy theo những nhóm ngành nghề “hot” trong tương lai, điều quan trọng trước tiên là học sinh cần xác định được mình thích ngành nghề nào, khả năng của bản thân, điều kiện của gia đình có thể theo đuổi được sở thích, năng lực đó hay không.
Hiểu rõ kỳ thi
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, yếu tố cốt lõi thứ hai giúp học sinh ổn định tâm lý trước và trong kỳ thi là phải biết rõ yêu cầu của kỳ thi.
“Các chuyên gia, các nhà giáo đã nghiên cứu, để giảm tải nội dung nhưng không làm lệch đi so với chuẩn đầu ra, không làm các em thiếu hụt tri thức”. GS cho biết thêm, tinh thần này sẽ được quán triệt ở các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới để tuyển sinh, đồng thời có những động thái phù hợp để giúp các em trở thành những tân sinh viên tự tin, sẵn sàng tiếp cận chương trình đào tạo bậc đại học.
“Các em nên hiểu rằng, ngành giáo dục luôn sát cánh với các em, bất kỳ thay đổi nào cũng đặt học sinh là trung tâm để bảo đảm quyền lợi một cách tối đa”, GS TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Hãy nghĩ tới viễn cảnh thi xong đợt này, các em có thể được thỏa thích thực hiện những dự định thú vị khác. Hít thở thật sâu, thư giãn bằng một số hoạt động sở thích trước khi bước vào kỳ thi là những chỉ dẫn mà GS Sơn gợi mở cho học sinh.
GS Sơn nhắn nhủ tới các em học sinh, không nên gây áp lực với bản thân bằng cách nhắc mãi về kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi vào đại học, cao đẳng hay quá lo lắng về đề minh họa, cấu trúc đề thi,... Những hướng dẫn sẽ sớm được đưa ra để học sinh có thể học đúng với nội dung đã được giới hạn, điều chỉnh, từ đó an tâm thi cử.