Thứ năm, 19/12/2019,14:27 (GMT+7)
Học sinh vùng sâu với niềm đam mê sáng tạo
Là một trong những ngôi trường vùng sâu của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An những năm gần đây, Trường THCS Thạnh Phước (ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước) được biết đến với thành tích nhiều năm liền có học sinh (HS) đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng và cuộc thi Khoa học - kỹ thuật HS trung học cấp huyện, tỉnh.
 
Nhiều năm qua, học sinh Trường THCS Thạnh Phước luôn đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng và cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp huyện, tỉnh
Nhiều năm qua, học sinh Trường THCS Thạnh Phước luôn đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng và cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp huyện, tỉnh
 
Nhiều dự án hay
 
Nhắc đến ngôi trường vùng sâu THCS Thạnh Phước, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến những dự án sáng tạo mà HS nơi đây tự mày mò, nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ, có thể áp dụng vào cuộc sống, góp phần làm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm với chi phí thấp, rẻ hơn. Từ những sản phẩm hoàn thiện như Máy tách hạt đậu, Máy cắt lục bình, Sử dụng công nghệ Animoji,… xuất sắc đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo trẻ, thể hiện rõ tinh thần học đi đôi với hành; khao khát muốn khám phá và ứng dụng tri thức vào thực tiễn cuộc sống của HS vùng nông thôn còn lắm khó khăn này. 
 
Năm học 2018-2019, thầy và trò Trường THCS Thạnh Phước một lần nữa nhận tin vui từ Ban Tổ chức cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Long An lần thứ 12 năm 2019 là dự án Máy đa năng của em Hồ Vũ Luân được chọn vào vòng chung kết xếp hạng và dự án Hệ thống tưới nước tự động của 2 em Hồ Văn Phát - HS lớp 9/1, Trần Hữu Dũng - HS lớp 9/1, đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi Khoa học - kỹ thuật HS trung học cấp huyện.
 
Theo em Hồ Văn Phát, đề tài Hệ thống tưới nước tự động sẽ giúp nhiều trong việc phát triển nông nghiệp, nhất là giảm thiểu sức lao động đến mức tối thiểu cho việc tưới tiêu và bón phân cho cây trồng; nâng cao năng suất cây trồng do luôn chủ động, cung cấp nước, phân bón đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, sử dụng công nghệ này giúp nông dân tiết kiệm nước, bởi nước được cung cấp trực tiếp đến, ít bị thất thoát do bốc hơi và thấm sâu.
 
“Sắp tới, em tiếp tục gia cố, hoàn chỉnh thêm dự án của mình để có thể tham gia cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh, bằng cách thực hiện mạch điện tử với các thiết bị cảm biến nhiệt, cảm biến độ ẩm của đất để có thể lên lịch tưới một cách tự động hoặc do người dùng lên lịch tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới phun mưa,… cho cây trồng” - em Hồ Văn Phát thổ lộ.
 
Khơi dậy tiềm năng tư duy, sáng tạo
 
Nhằm giúp HS trau dồi kiến thức, khơi dậy tiềm năng và phát triển tư duy sáng tạo, những năm qua, Ban Giám hiệu Trường THCS Thạnh Phước luôn quan tâm, động viên, khuyến khích HS vượt qua khó khăn, tham gia tốt cuộc thi Khoa học - kỹ thuật HS trung học và cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng các cấp. Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Phước - Nguyễn Thị Kim Phương chia sẻ: “Để HS tham gia tốt các cuộc thi sáng tạo, Ban Giám hiệu nhà trường đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động HS trong tiết sinh hoạt dưới cờ; giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội đóng vai trò là “cầu nối” vững chắc, giúp HS nắm được nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi. Đồng thời, nhà trường phân công giáo viên phụ trách theo dõi, hướng dẫn, tuyển chọn HS có tiềm năng, sở trường tham gia cuộc thi sáng tạo”.

“Sau khi đăng ký ý tưởng phù hợp với lĩnh vực mà Ban Tổ chức quy định, chúng em có cuộc gặp gỡ giáo viên phụ trách để được hướng dẫn hoàn thành sản phẩm cũng như chuẩn bị khâu thuyết trình. Nếu đoạt giải ở vòng trường, chúng em sẽ được nhà trường và giáo viên tiếp tục trau dồi thêm ý tưởng, sáng kiến để thi ở cấp cao hơn” - em Trần Hữu Dũng - HS lớp 9/1, chia sẻ.
 
Theo em Ngô Thanh Điền - HS lớp 9/1, một ý tưởng sáng tạo khoa học - kỹ thuật đòi hỏi phải đầu tư nhiều cả về mặt thời gian lẫn kinh phí. Vì vậy, tranh thủ sau giờ học, thầy và trò cùng nhau ở lại trường, tận dụng tối đa đồ dùng, vật dụng đã qua sử dụng để thiết kế mô hình, sản phẩm dự thi nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
 
“HS ở trường vùng sâu này có rất nhiều ý tưởng độc đáo, khả thi, tuy nhiên, phần lớn bị rào cản về kiến thức, sự thiếu tự tin và kinh nghiệm nên kết quả mang lại chưa như mong muốn. Sắp tới, cùng với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Ban Đại diện cha mẹ HS, trường không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng học tập của HS, tạo động lực để các em vượt qua khó khăn, tham gia tốt cuộc thi sáng tạo do các cấp tổ chức” - cô Nguyễn Thị Kim Phương thông tin thêm.
 
Phong Nhã- (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu