Chủ nhật, 22/12/2019,07:35 (GMT+7)
Học tập thông qua trải nghiệm
Tuy không còn mới lạ nhưng việc thu hút học sinh đến lớp thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế đã và đang mang lại những hiệu quả rất tích cực.
Tại Trường THCS Long Phú (TX. Tân Châu), hầu như không khí luôn nhộn nhịp, dù là ngày trong tuần hay dịp cuối tuần, bởi sự góp mặt của đông đảo các em học sinh. Ngoài những tiết học chính khóa được học trong lớp, các em học sinh còn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường. Theo thầy Phạm Thành Lẫm (giáo viên tổng phụ trách Đội), Long Phú là một phường nông nghiệp, người dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông và làm thuê. Hàng năm, số lượng học sinh bỏ học do rời địa phương đi lao động sớm hoặc theo cha mẹ làm ăn xa rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu chống bỏ học của trường. Sự phối hợp giáo dục các em đến trường của một số phụ huynh còn rất hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thông qua mô hình “Học tập thông qua trải nghiệm” để giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử xã hội cho học sinh là rất cần thiết.
Giúp các em tự tin thể hiện bản thân trước đám đông
 
Theo đó, mô hình học tập thông qua trải nghiệm được thầy và trò trường THCS Long Phú thực hiện từ tháng 6-2015 đến nay. Các hoạt động ngoại khóa của mô hình được tổ chức dưới dạng câu lạc bộ, với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng cả về chuyên môn, lẫn kỹ năng sống cho học sinh. Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh tổ chức hoạt động với nhiều chủ đề: “Vườn rau sạch”, “Dạ tiệc văn học”, “Tiết đọc sách tự quản”... giúp các em có thêm kỹ năng sống, nâng cao chất lượng trong học tập. “Bằng việc cho học sinh suy nghĩ các chuyên đề sinh hoạt đã giúp tạo môi trường học tập tốt nhất, từ đó tạo hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó, giúp rèn luyện những kỹ năng, tăng khả năng chủ động trong hành động của học sinh để đưa ra quyết định tốt, tăng sự tự tin trong nhận thức. Giúp học sinh tự nhận ra giá trị của bản thân, tự trau dồi để phát triển một cách toàn diện” - thầy Lẫm chia sẻ.
 
Phương pháp “Học tập qua trải nghiệm” thể hiện theo mô hình 5 bước khép kín: trải nghiệm, chia sẻ, phân tích, tổng quát, áp dụng. Trong hoạt động chuyên đề “Dạ tiệc văn học” vừa được tổ chức, các em học sinh được hóa thân thành các nhân vật lịch sử, văn học trong truyện cổ tích, truyền thuyết... đã được học bằng cách sử dụng các nhân vật tái chế để làm các trang phục. “Ngoài củng cố kiến thức văn học của các em từ năm lớp 6, thông qua chuyên đề giúp các em tự tin thể hiện trước đám đông, hình thành ý thức về  vệ sinh môi trường” - cô Lưu Thị Huỳnh Nga (giáo viên Ngữ văn Trường THCS Long Phú) giải thích. So với nhiều mô hình khác, sau bất kỳ hoạt động học tập qua trải nghiệm sẽ là phần chia sẻ. Theo đó, các em chia các nhóm nhỏ, có nhóm trưởng gợi ý thảo luận. Tùy vào từng chuyên đề, học sinh rút ra được cho bản thân về tự tin thể hiện trước đám đông, kỹ năng hợp tác, tương trợ trong nhóm. Bên cạnh đó, với mô hình “Tiết đọc sách trải nghiệm” cũng thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Bắt đầu bằng việc chia thành từng nhóm nhỏ, chọn cho mình một quyển sách tại thư viện với những chủ đề khác nhau và sẽ giới thiệu về chủ đề sách mình đang học. Thông qua hoạt động này, giúp các em tăng hứng thú đối với việc đọc sách, cùng nhau tìm tòi, chia sẻ những quyển sách hay, ý nghĩa, có ích trong học tập và cuộc sống...
 
 
“Thường là khi chúng ta cho các em chơi xong, nếu bỏ qua phần rút kinh nghiệm sẽ rất phí. Vì như vậy sẽ không đọng lại, cũng như không giúp bản thân các em đúc kết được những kinh nghiệm cần thiết thông qua các hoạt động vừa trải nghiệm” - thầy Lẫm cho hay.
 
ÁNH NGUYÊN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu