Thứ hai, 29/07/2024,18:28 (GMT+7)
Hội An sẽ xuất bản sách về quá trình tu bổ Chùa Cầu
TP Hội An sẽ xuất bản sách về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu để mọi người có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn.
 
Ngày 29-7, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết vào ngày 3-8, vào dịp khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, TP Hội An sẽ xuất bản sách với tên gọi "TU BỔ DI TÍCH CHÙA CẦU".
 
Nội dung sách là toàn bộ hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
Hội An sẽ xuất bản sách về quá trình tu bổ Chùa Cầu- Ảnh 1.
Diện mạo di tích Chùa Cầu sau tu bổ
 
Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy.
 
Theo UBND TP Hội An, Chùa Cầu là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng nên công tác chuẩn bị dự án tu bổ được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An triển khai từng bước hết sức cẩn trọng.
 
Ngay từ đầu, trung tâm đã lập một bản kế hoạch tiến độ tổng thể hết sức chi tiết theo từng giai đoạn, thành lập các tổ dự án, tổ nghiên cứu và truyền thông thực hiện thường xuyên nhiều công việc như: khảo sát, sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan, lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư; thực hiện các chuyên đề nghiên cứu về các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật... của di tích.
 
Bên cạnh đó, hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng di tích bằng các hình thức: quay phim, chụp ảnh, rập giấy dó (văn bia, liễn đối, đồ án trang trí kiến trúc), vẽ ghi (hiện trạng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng...), số hóa di tích bằng công nghệ 3D,... được thực hiện kỹ càng tạo cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra các giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp đảm bảo theo nguyên tắc tu bổ đối với từng hạng mục, kết cấu của công trình di tích Chùa Cầu…
 
Hội An sẽ xuất bản sách về quá trình tu bổ Chùa Cầu- Ảnh 2.
Di tích Chùa Cầu sau trùng tu nhận được nhiều ý kiến trái chiều
 
Với nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, các cán bộ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử và Hán Nôm được đào tạo bài bản đã có nhiều năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực bảo tồn, có thể nói rằng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã thực hiện quản lý và tu bổ nhiều dự án đạt chất lượng khoa học và được đánh giá cao, điển hình như Dự án Tu bổ di tích cổng chùa Bà Mụ, di tích nhà cổ Quân Thắng, di tích đình Ông Voi (đình Hội An), di tích chùa Bà (Minh Hương Phật tự)... cùng rất nhiều di tích loại đặc biệt khác trong khu phố cổ.
 
Đây là nền tảng cơ bản để giúp cho trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích Chùa Cầu đều chú trọng thực hiện theo các quy trình tu bổ hết sức bài bản, khoa học, đánh giá, phân tích, khảo cổ, ghi chép, vẽ ghi đều được thực hiện tỉ mĩ, chi tiết từng công đoạn gia công, phục hồi, gia cố, chắp vá, lắp dựng theo các nguyên tắc tu bổ, trùng tu di tích và đề cao tính bền vững để làm sao cho di tích được trường tồn mãi mãi với thời gian.
 
Trong suốt quá trình triển khai tu bổ di tích Chùa Cầu, bên cạnh nhận được sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ phái cử chuyên gia Nhật Bản đến từ các tổ chức JICA, Tổng Cục Văn hóa Nhật Bản để tư vấn, tham vấn với các chuyên gia Việt Nam.
 
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu cũng nhận được sự tài trợ kinh phí từ Quỹ Sumimoto của Nhật Bản (từ nguồn ngân sách 2020 dành cho các Dự án về bảo vệ, bảo tồn và trùng tu tài sản văn hóa ngoài Nhật Bản). Nguồn quỹ này phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích và một số hoạt động khác liên quan đến quá trình tu bổ, tạo dữ liệu khoa học quan trọng để đảm bảo cho di tích Chùa Cầu được tu bổ đảm bảo về quan điểm, nguyên tắc và các giải pháp đề ra, đạt chất lượng, hàm lượng khoa học cao.
 
Trần Thường (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu