Việc thu thuế đối với dịch vụ xuyên biên giới đang là một thách thức. Minh họa của DAN
Thuế thu ít, thất thu còn lớn
Trong khoảng 4 năm từ 2018-2021, tổng số tiền thuế thu từ các dịch vụ xuyên biên giới hơn 4.400 tỉ đồng; trong đó từ Facebook 1.694,77 tỉ đồng, từ Google 1.618,42 tỉ đồng… Tính ra mỗi năm, 2 “ông lớn” này đóng bình quân hơn 400 tỉ đồng.
400 tỉ đồng là số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, nếu so sánh khoản nộp thuế này hàng năm với khoản doanh thu từ thị trường Việt Nam của Facebook và Google trong suốt 4 năm qua, thì tỉ lệ đóng thuế quá thấp.
Thống kê trong những năm qua cho thấy, doanh thu chỉ tính riêng của Facebook và Google tại Việt Nam đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến, lên đến vài trăm triệu USD mỗi năm.
Thêm một thống kê nữa, doanh thu quảng cáo của Google và Facebook thông qua các đại lý tại Việt Nam (phải đóng thuế nhà thầu 10%) chỉ chiếm lần lượt 45% và 30% số hợp đồng. Như vậy, còn đến 55% và 70% số hợp đồng mua quảng cáo trên Google và Facebook không thông qua đại lý, có thể do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mua trực tiếp, tương ứng việc thất thu thuế nhà thầu từ lượng hợp đồng và doanh thu này.
Về thực chất, thuế nhà thầu được hiểu bao gồm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuế giá trị gia tăng (VAT). Như vậy, khoảng hơn 4.400 tỉ đồng tiền thuế thu được như đề cập ở trên, bản chất đối tượng đóng không chỉ từ Google, Facebook… mà còn có đóng góp từ người tiêu dùng Việt Nam, thông qua phía trung gian đóng thay là các doanh nghiệp đại lý quảng cáo.
Dư địa thuế nhà thầu còn rất lớn
Nguyên tắc của việc thu thuế nhà thầu là “nắm người có tóc”. Cụ thể, các doanh nghiệp làm đại lý dịch vụ quảng cáo cho Google, Facebook sẽ phải đóng thay 10% doanh thu từ dịch vụ này tại Việt Nam.
Còn không ít dịch vụ được cung cấp xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, được người tiêu dùng, các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam mua trực tiếp và thanh toán qua thẻ tín dụng, như phim trực tuyến Netflix, nhạc trực tuyến, các ứng dụng đặt khách sạn trực tuyến… vẫn đang là bài toán nan giải về việc thu thuế nhà thầu 10%. Đây chính là dư địa nhưng cũng chính là thách thức đối với ngành thuế và các cơ quan hữu quan tại Việt Nam.
Thị trường Việt Nam hiện có hơn 1 triệu thuê bao truyền hình Internet (OTT TV) với doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm, nhưng hoàn toàn chưa thu được thuế nhà thầu vì hầu hết người tiêu dùng tại Việt Nam mua dịch vụ trực tiếp từ Netflix, Apple TV… và thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc các cổng thanh toán trực tuyến.
Cần biết rằng, từ tháng 6.2021, Mỹ đã siết lại thuế nhà thầu đối với thu nhập từ nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới. Cụ thể, từ tháng 6.2021, YouTube thực hiện mức thu thuế nhà thầu tương ứng 30% thu nhập phát sinh từ lượt xem tại thị trường Mỹ của các YouTuber ngoài nước Mỹ đã có kê khai thuế với nền tảng mạng xã hội này.
Trong trường hợp quá hạn ngày 31.5.2021 mà vẫn chưa kê khai thuế trên nền tảng, YouTuber ngoài nước Mỹ sẽ bị áp mức thu thuế nhà thầu 24% trên tổng thu nhập (cả đối với khoản doanh thu không phát sinh từ lượt xem tại thị trường Mỹ).
Như vậy có thể thấy, khoản thuế nhà thầu áp dụng tại Mỹ đối với các nhà phát triển nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới còn cao gấp hơn 2 lần (mức tối thiểu) so với mức thuế này đang được áp dụng tại Việt Nam.