Hướng đi mới trong việc đưa cầu thủ Việt Nam đi nước ngoài
Sau khi Đoàn Văn Hậu của CLB Hà Nội trở về Việt Nam, khép lại hành trình học hỏi ở Hà Lan, bóng đá Việt Nam xem như khép lại một giai đoạn các ông chủ đội bóng tự đưa cầu thủ của mình ra nước ngoài học việc. Trước đó, Nguyễn Công Phượng từ Hàn Quốc sang Bỉ rồi đã phải quay ngược về TP Hồ Chí Minh thi đấu mà không để lại dấu ấn gì ở nước bạn.
Chiến lược hợp tác toàn diện của Chủ tịch CLB Sài Gòn với các đội bóng của Nhật Bản mở ra hướng đi mới trong việc đưa cầu thủ Việt Nam đi nước ngoài.
Những ngôi sao của bóng đá Việt Nam đã đi nhưng chưa thành công. Nhưng khát khao đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu chưa bao giờ nguôi. Điều này ít nhất là đúng với ông Trần Hòa Bình, tân Chủ tịch của CLB Sài Gòn. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, “bầu” Bình đã công bố chiến lược toàn diện với các đối tác Nhật Bản sau một năm vận hành đội Sài Gòn ở mùa giải 2020.
Không dùng “đao to búa lớn” để nói đến hướng đi của mình, người đứng đầu đội bóng từng bước xây dựng vững chắc kế hoạch đưa cầu thủ sang Nhật Bản. Ông Bình thừa nhận trình độ cầu thủ Việt Nam có khả năng cạnh tranh ở J2 League nhưng nếu muốn cọ xát, đá ngay thì phải bắt đầu từ giải hạng Ba của nước bạn. Đó là một nhận định được đúc kết từ chính các chuyên gia Nhật Bản mà đội bóng đã thuê sang Việt Nam từ đầu năm 2021.
Người Nhật vốn đã thành công với cách làm bóng đá bài bản. Những ông chủ của đội Sài Gòn xác định đây là nền bóng đá phù hợp với các cầu thủ Việt Nam. Trước khi mua lại đội bóng từ tay bầu Hiển, bộ sậu năm người của CLB Sài Gòn đã có một chuyến đi sang Nhật Bản làm việc với ban tổ chức J.League. Trong số này có cả HLV Vũ Tiến Thành và các nhà đầu tư như ông Nguyễn Cao Trí hay ông Hồ Quốc Minh.
Cách làm của họ khác với những ông bầu trước đây. Họ phải đi nghiên cứu và tìm hiểu điều gì thích hợp với cầu thủ Việt Nam. Bởi khả năng thích nghi mang lại thành công nhiều hơn là phụ thuộc vào năng lực. Cầu thủ Thái Lan đang thành công ở J.League cũng là một sự thôi thúc với các ông bầu của đội Sài Gòn. Hơn hết, nhờ sự am hiểu văn hóa và con người Nhật Bản, ông Bình nhận được thái độ hợp tác thân thiện như một người Nhật bản địa.
Ông Bình nói: “Omotenashi (lòng hiếu khách) của người Nhật là công cụ để tôi xây dựng nhân cách con người thông qua bóng đá. Văn hóa này là bước ngoặt giúp cầu thủ Việt Nam phát triển hơn về trình độ và hiểu văn hóa của sự văn minh. Nếu để giành lấy thành tích thì tôi đã mua ngôi sao chứ không phải đầu tư vào những giá trị này. Thành tích chỉ đứng thứ 5 trong chiến lược của CLB mà thôi”.
Bằng chiến lược rõ ràng và tham vọng thật sự của đội bóng, ông Bình đã thuyết phục thành công những nhân vật có vị trí của bóng đá Nhật Bản sang làm việc cho CLB Sài Gòn.
Đó là ông Masahiro Shimoda, cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Đó là cựu tuyển thủ Nhật Bản Daisuke Matsui. Đối tác toàn diện FC Tokyo cũng gửi hai chuyên gia là Kenzo (Giám đốc kinh doanh toàn cầu) và ông Oshida (Tân giám đốc học viện Sài Gòn FC) sang Việt Nam làm việc.
Dự án tham vọng này tiêu tốn số tiền không nhỏ từ các chủ đầu tư. Ông Bình thừa nhận nhưng cam đoan không chỉ có nội lực mà họ có nguồn vốn ngoại lực đến từ các nhà tài trợ. Hàng chục doanh nghiệp lớn đã có bảng tên trong văn phòng CLB Sài Gòn và bảng quảng cáo trên sân Thống Nhất mỗi khi đội thi đấu trên sân nhà. Không dừng lại ở đó, CLB còn làm cầu nối, đưa doanh nghiệp Việt Nam đến Nhật. Một ngân hàng Việt Nam, nhà tài trợ chính của CLB Sài Gòn đã có bốn biển quảng cáo trên sân nhà của CLB Ryukyu từ mùa giải 2021.
Sau khi tạo được sự tin cậy và phát triển lợi ích kinh tế, hướng đi ngược lại của CLB Sài Gòn là đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản. Người đứng đầu đội bóng nhấn mạnh việc đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản chứ không phải chỉ cầu thủ của CLB Sài Gòn.
“Sau khi cầu thủ, chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam thì chiều ngược lại là cầu thủ của mình phải được sang Nhật cọ xát. Họ sẵn sàng tiếp nhận cầu thủ Việt Nam. Tôi rất vui nếu các đội bóng lớn như Viettel, HAGL, CLB Hà Nội có nhu cầu hợp tác đưa cầu thủ sang Nhật Bản”, ông Bình nói.
CLB Sài Gòn sẵn sàng hy sinh lợi ích, thành tích của CLB để xây dựng kế hoạch dài 10, 20 năm của mình cho bóng đá Việt Nam. “Nếu đưa CLB Sài Gòn sang Nhật Bản không thì đó không phải là cách làm bền vững. Chúng tôi cũng có giới hạn nguồn lực của mình. Sự hợp tác này là để giúp cầu thủ Việt Nam có cơ hội cọ xát ở Nhật Bản. Khi trở về, họ vẫn thuộc quyền CLB chủ quản và có thể đóng góp cho đội tuyển quốc gia”.
Đội bóng Sài Gòn đang làm theo đúng cách J.League. Họ chấp nhận để đội trưởng Cao Văn Triền sang Nhật Bản vào tháng 7 để đầu tư cho tương lai. Điều này giống cách các đội bóng Nhật Bản đưa cầu thủ tốt nhất sang Đức, Tây Ban Nha để trở về phụng sự Nhật Bản. Hay như ngay cách làm của CLB Thái Lan khi để các tuyển thủ quốc gia chinh chiến tại Nhật Bản để nâng cao trình độ, rút ngắn khoảng cách với đồng nghiệp trong khu vực.
Ông Bình thậm chí còn thuyết phục thành công đội Viettel để đưa tiền đạo Trần Danh Trung sang Nhật cùng Cao Văn Triền ở giai đoạn 2 của mùa giải. Trong năm 2021, CLB Sài Gòn sẽ cử thêm hai cầu thủ Việt Nam nữa nhưng chưa tiết lộ vào thời điểm nào. Và theo kế hoạch, họ sẽ gửi sáu cầu thủ đi Nhật trong năm 2022. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa có một chiến lược xuất khẩu cầu thủ bài bản nào được lên kế hoạch chi tiết và rõ ràng đến như vậy.