Thứ sáu, 12/02/2021,10:20 (GMT+7)
Hướng tới Trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia
Huyện Chợ Lách có trên 7,5 ngàn hộ tham gia sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng với diện tích hơn 1,5 ngàn héc-ta. Hàng năm, huyện cung ứng cho thị trường từ 15 - 18 triệu sản phẩm giống cây trồng các loại. Chợ Lách đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi cung cấp giống, cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất nước. Để phát triển bền vững, hướng đến chất lượng, việc xây dựng Chợ Lách trở thành Trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia, với cách tổ chức hoạt động bài bản là vô cùng cần thiết.
Thiếu nữ Làng hoa giấy Phú Sơn. Ảnh: Hồng Thắm
Thiếu nữ Làng hoa giấy Phú Sơn. Ảnh: Hồng Thắm
 
Phát huy lợi thế
 
Cây giống Chợ Lách đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng trái cây trong khu vực và cả nước. Cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều thế hệ, kết hợp với khoa học kỹ thuật tiên tiến, nghề sản xuất cây giống ở Chợ Lách ngày càng phát triển, diện tích ngày càng mở rộng. Bên cạnh sản xuất giống cây trồng, huyện hiện có 4.715 hộ, với khoảng 560ha sản xuất, kinh doanh hoa kiểng các loại. Sản lượng hoa kiểng các loại hàng năm của huyện từ 15 - 20 triệu sản phẩm, chủ yếu là hoa giấy, tắc kiểng, mai vàng, hoa treo, kiểng lá, hoa nở, bonsai, kiểng thú và các loại cây công trình.
 
Sau đợt hạn mặn nghiêm trọng mùa khô 2019-2020, các vườn cây ăn trái lâu năm của huyện bị thiệt hại nặng nề, chủ yếu là cây chôm chôm và sầu riêng. Người dân đã chuyển đổi sang sản xuất cây giống, với diện tích trên 200ha. Điều này cho thấy xu hướng phát triển của nghề sản xuất cây giống trong thời gian tới trên địa bàn huyện.
 
Diện tích và sản lượng các loại giống cây trồng gia tăng đã đặt ra cho Chợ Lách một “bài toán” về đảm bảo chất lượng cây giống, chất lượng cây ăn quả và thương hiệu, danh tiếng của địa phương.
 
Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh những thế mạnh như về thổ nhưỡng, kinh nghiệm trong sản xuất thì nghề làm giống cây trồng ở Chợ Lách còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, công tác sưu tập, chọn lọc, nhập nội, lai tạo giống mới chưa được ngành chức năng thực hiện thường xuyên để đánh giá, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất. “Chủ yếu là người dân tự nhập giống để trồng, qua thực tế chọn lọc giống nào tốt thì giữ lại. Hệ thống cây giống ở Chợ Lách hiện nay đã thay đổi nhiều, đều là các loại giống mới, chủ yếu là giống nhập nội và qua chọn lọc tự nhiên. Đây là điều mà ngành chức năng cần quan tâm để làm tốt hơn”, ông Liêm nói.
 
Ông Liêm nhận xét: Chất lượng của nguồn nguyên liệu sản xuất giống cây trồng chưa cao và chưa đồng đều vì hệ thống cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng trên địa bàn huyện còn chưa thống nhất, chưa đồng đều. Các cơ sở sản xuất cây giống chưa đảm bảo được sự đồng nhất về chất lượng các mắt ghép để sản xuất nên sản phẩm cây giống chưa đạt được sự đồng đều. Trong bối cảnh thị trường phát triển theo xu hướng đề cao chất lượng, sự an toàn thì tình hình sản xuất cây giống của huyện vẫn còn gặp khó khi muốn truy nguyên nguồn gốc cây giống và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
 
Các giải pháp cụ thể
 
Chợ Lách là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Đi liền với những kết quả đạt được là một hành trình mới để tiếp tục xây dựng, nâng chất các tiêu chí, phát triển kinh tế - xã hội huyện. Hướng đến một trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia chính là nhiệm vụ quan trọng, là yếu tố để tạo bước đột phá cho kinh tế của Chợ Lách trong giai đoạn mới.
 
Huyện ủy Chợ Lách đã cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/ĐH thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình cụ thể. Đối với nhiệm vụ xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia, huyện đã xác định các giải pháp cụ thể.
 
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xây dựng đề án phát triển sản xuất cây giống và hoa kiểng, đảm bảo có trung tâm điều hành sản xuất cây giống, hoa kiểng, có nơi nghiên cứu, ứng dụng và quy hoạch khu bảo tồn giống quý, nhập giống mới đảm bảo đủ diện tích để trồng và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất giống đạt chuẩn, chuyển giao công nghệ cho người dân, ổn định sản xuất cây giống, hoa kiểng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
 
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết, việc xây dựng trung tâm điều hành sản xuất cây giống của huyện giúp cho huyện quản lý chất lượng giống cây trồng tốt hơn, với 3 mục tiêu: thường xuyên có giống mới thông qua công tác chọn lọc, lai tạo, nhập nội; có hệ thống cung cấp mắt ghép đồng đều, chất lượng cao; có truy nguyên nguồn gốc cây giống và phát triển thương mại điện tử. Theo ông Liêm: “Trung tâm điều hành sản xuất cây giống kỳ vọng sẽ có diện tích vùng trồng cây nguyên liệu 30ha, sản xuất từ 50 - 70 triệu mắt ghép để sản xuất ra 40 triệu cây giống/năm. Trung tâm sẽ có đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ tổ chức điều hành, quản lý bài bản. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ có vai trò là đầu mối chuyển giao công nghệ, tập huấn, xây dựng mô hình công nghệ mới cho người sản xuất. Từ đó, trung tâm sẽ trở thành đầu mối để thống nhất về chất lượng cây giống trên địa bàn huyện”.
 
Đối với chất lượng giống cây trồng, huyện chú trọng củng cố nguồn giống và áp dụng công nghệ trong lai tạo giống, nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, gốc ghép, cây nguyên liệu sản xuất hoa kiểng và đa dạng hóa sản phẩm... đảm bảo số lượng và chất lượng. Đồng thời, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người sản xuất cây giống, hoa kiểng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Duy trì và phát triển nguồn giống thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Cơ cấu cây trồng dựa trên cơ sở quy hoạch và mở rộng vùng kinh tế thấp, các vùng đất bị thiệt hại do hạn mặn.
 
Huyện củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, làng nghề, rút ngắn chuỗi liên kết sản xuất cây giống, hoa kiểng. Đồng thời, xây dựng hệ thống kết nối thị trường giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng với các cơ sở, doanh nghiệp, trung tâm giống trong và ngoài tỉnh và các công ty nhập khẩu cây giống ở nước ngoài. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng và quản lý thương hiệu; lập, quản lý và nâng cao chất lượng trang thông tin sản xuất cây giống, hoa kiểng của huyện; xây dựng và khai thác hiệu quả sàn giao dịch điện tử về cây giống và hoa kiểng của huyện...
 
Xét về quy mô, số lượng, danh tiếng của cây giống, hoa kiểng là đã có. Điều mà Chợ Lách cần là làm bài bản và vận hành chính quy để thật sự đưa huyện trở thành trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia như kỳ vọng.
 
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách sẽ tập trung xây dựng đề án. Đồng thời, tiếp tục duy trì chất lượng, hiệu quả quản lý giống cây trồng theo các quy định liên quan đến sản xuất giống. Thông tin tuyên truyền đến người dân các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất giống, tập huấn các kỹ thuật mới, sản xuất trong điều kiện hạn mặn, nâng cao trình độ sản xuất, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của người nông dân.
Thanh Đồng - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu