Thứ năm, 22/08/2019,07:59 (GMT+7)
Hương vị đậu phộng đức Hòa
Nhắc đến huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhiều người vẫn thường nhớ đến đậu phộng. Giống đậu phộng truyền thống nơi đây hạt nhỏ, có vị béo, thơm nên đã “gây thương nhớ” cho không ít du khách.

Các sản phẩm từ động phộng Đức Hòa được bày bán ở nhiều nơi

Các sản phẩm từ đậu phộng Đức Hòa được bày bán ở nhiều nơi

Về Đức Hòa hôm nay, dẫu không còn thấy những vùng đất bạt ngàn trồng đậu nhưng vẫn không thiếu những món ăn được chế biến từ đậu phộng. Từ hạt đậu phộng, người dân làm ra nhiều món ăn như đậu phộng luộc, đậu rang cát, đậu chấy tỏi ớt, đậu rang nước mắm, đậu sấy, đậu áo bột, kẹo đậu phộng,… Những món ăn này hiện được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là du khách và trở thành món quà biếu của người dân địa phương dành tặng khách quý phương xa.

Hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm từ đậu phộng Đức Hòa được nhiều người biết đến hơn. Nhờ loại đặc sản này, không ít gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Nhiều lò đậu rang, chế biến sản phẩm từ đậu phộng ra đời như Hiền Tài, Lạc Việt, Hữu Lộc, Hoàng Chương,... Dù khai thác cùng một mặt hàng nhưng mỗi nơi sản xuất lại có hương vị và bí quyết riêng, có cơ sở sản xuất thiên về vị mặn, có có sở lại chọn khẩu vị ngọt nhẹ, tạo nên hương vị riêng

Ban đầu, các cơ sở sản xuất đậu phộng gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Phương Hoàng - chủ Cơ sở sản xuất đậu phộng Hoàng Chương, cho biết: “Năm 2013, gia đình tôi mở lò đậu phộng và phải tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật sao cho món đậu giòn, ngon. Nhưng cái khó nhất là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”. Anh Hoàng cho biết thêm, hầu hết các cơ sở sản xuất đậu phộng đều hoạt động quanh năm, tiêu thụ nhiều nhất là vào những tháng giáp tết. Lò đậu phộng Hoàng Chương có thể xuất bán từ 3-4 tấn/tháng vào dịp tết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình anh chỉ làm khoảng 50kg đậu rang nước mắm, 100 bánh kẹo đậu phộng và 25kg đậu rang vỏ. Sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Các cơ sở sản xuất đậu phộng tập trung nhiều ở khu vực của các xã: Tân Mỹ, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng và thị trấn Hậu Nghĩa,... Sản phẩm được chế biến đa dạng, bày bán trên khắp địa bàn huyện. Trong đó, nhiều nhất là trên tuyến đường N2, xã Hòa Khánh Đông. Đây được xem như “tuyến đường đặc sản” bởi khu vực này những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, tết có đến gần trăm gian hàng tự phát bày bán các sản phẩm từ đậu phộng. Đây cũng được không ít người nơi khác gọi vui là tuyến đường giới thiệu nông sản địa phương.

Đậu phộng Đức Hòa dần tạo được chỗ đứng trên thị trường bởi hương vị thơm, ngon đặc biệt. Chị Hà Kim Thoa cho biết: “Tôi ở TP.Tân An, mỗi lần đi công tác ngang thị trấn Hậu Nghĩa, thường ghé những gian hàng bán đậu phộng để mua làm quà tặng đồng nghiệp, người thân vì đậu phộng ở đây khá ngon”.

Vị béo, giòn của đậu phộng rang vỏ, vị ngọt và béo bùi của kẹo đậu phộng hay thêm chút gia vị cay, mặn của món đậu rang tỏi ớt,... đã giữ chân không ít du khách khi đi ngang vùng đất Đức Hòa. Nếu đã một lần đến đây, bạn hãy thử cảm nhận nét chân chất của người dân Đức Hòa qua những món ngon bình dị được chế biến từ đậu phộng này./.

Nhã Phương - (baolongan.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu