Thứ tư, 11/09/2019,09:00 (GMT+7)
Hủy kỷ luật vì thanh tra giáo dục "phản pháo"
Sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng nhưng đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương

Ngày 9-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quyết định hủy bỏ Quyết định 2450/QĐ-BGD-ĐT ký ban hành hôm 21-8-2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức của Bộ GD-ĐT vì liên quan đến vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Quyết định mới này khiến dư luận ngạc nhiên.

Thanh tra phản ứng

Một nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho hay trước đó thanh tra giáo dục đã phản ứng quyết liệt Quyết định 2450/QĐ-BGD-ĐT về việc xem xét kỷ luật của Bộ GD-ĐT.

Theo nguồn tin này, ngày 29-8-2019, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có Văn bản số 818/TTr-HCTH "phản pháo" lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Vụ Tổ chức cán bộ.

Ngày 29-8, tập thể lãnh đạo thanh tra đã họp về việc xem xét, tập hợp các ý kiến của công chức cơ quan thanh tra về việc xem xét kỷ luật trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tại cuộc họp này có nhiều ý kiến như "không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào"... Ngoài ra, thủ tục xem xét của hội đồng kỷ luật đã không tổ chức, xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Về trách nhiệm chung, cơ quan bộ có 13 công chức bị xem xét kỷ luật của 5 đơn vị thuộc bộ, trong đó thanh tra có 6 người. Vậy có phải thanh tra là cơ quan có hành vi vi phạm chủ yếu hay không? Thanh tra giáo dục cũng đồng thời đề nghị hủy bỏ Quyết định 2450/QĐ-BGD-ĐT ngày 21-8-2019.

Hủy kỷ luật vì thanh tra giáo dục phản pháo - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời phỏng vấn báo chí về gian lận thi cử tại Sơn La hồi tháng 7-2018 Ảnh: Bách An

Tập thể thanh tra thống nhất ý kiến cho rằng việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, xong đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương. Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.

Tập thể lãnh đạo thanh tra kết luận việc ban hành Quyết định 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21-8-2019 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan thanh tra và cá nhân các công chức có tên trong danh sách xem xét bị kỷ luật. Đơn vị này đề nghị chủ tịch hội đồng kỷ luật tổ chức rà soát kỹ đối với trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm (nếu có) đúng quy định.

Bộ GD-ĐT quá vội vàng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 10-9, một cán bộ của Bộ GD-ĐT nhận xét việc lãnh đạo bộ ra quyết định xem xét kỷ luật 13 công chức của bộ rồi lại rút quyết định này là quá vội vàng. "Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu xử lý những cán bộ vi phạm trong vụ gian lận thi cử nhưng Bộ GD-ĐT phải làm rõ xem ai vi phạm, vi phạm như thế nào, nhiệm vụ giao cho họ có hoàn thành không chứ không phải là xem xét kỷ luật hàng loạt cán bộ. Người này mắc lỗi nhưng người khác phải chịu trách nhiệm là không chấp nhận được" - cán bộ này nói.

Theo ý kiến cán bộ nói trên, trong vụ gian lận thi cử gây chấn động ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, lỗi nặng nhất chính là người đã đưa phần mềm chấm thi trắc nghiệm có quá nhiều lỗi vào sử dụng. "Từ những kẽ hở quá lớn này mà các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang dễ dàng thay đổi kết quả, tạo nên vụ gian lận thi cử gây chấn động. Lỗi của ai thì xử lý người đó, ai có công thì cũng phải ghi nhận công của họ. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh tuy có trách nhiệm của người đứng đầu nhưng trên thực tế ông Trinh là một trong những người "lăn lộn" nhiều nhất trong việc xử lý gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang. Cục trưởng này đã rất tích cực cùng cơ quan an ninh điều tra làm rõ vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang cũng như tuyên bố không dung túng cho sai phạm" - vị này bình luận.

"Kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc, bộ trưởng tuyên bố vội vàng là kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Nhưng khi xảy ra sự cố thì quay sang kỷ luật anh em. Tôi cho rằng như thế là không thống nhất, gây tâm tư cho các cán bộ" - một chuyên gia giáo dục nhận định về vụ việc bất nhất của Bộ GD-ĐT. 

 

13 công chức bị xem xét kỷ luật

Liên quan vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La năm 2018, Bộ GD-ĐT ngày 21-8 đã có quyết định xem xét xử lý kỷ luật 13 công chức của bộ. Trong số này có ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra; ông Tống Duy Hiến, Phó chánh Thanh tra; ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học; ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế...

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu