Kết quả thử nghiệm này vừa được trình bày chi tiết tại hội nghị của Hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ tổ chức tại TP Orlando, bang Florida hôm 16-4.
Vắc-xin ung thư của Moderna và Merck được gọi là mRNA 4157/V940, dựa trên công nghệ mRNA (RNA thông tin) mà Moderna từng rất thành công đối với vắc-xin COVID-19.
Trong đó, mRNA đã được sửa đổi trong vắc-xin sẽ như một bản hướng dẫn di truyền giúp cơ thể tạo ra những bản sao vô hại của tác nhân gây bệnh, giúp hệ miễn dịch "tập trận" và tự tạo ra các kháng nguyên mới, sẵn sàng đối phó khi "địch thủ" thật sự hiện diện.
Theo tờ USA Today (Mỹ), đây là vắc-xin chỉ nhắm vào việc phòng ngừa tái phát ung thư, là bản nâng cấp của công nghệ mRNA cho vắc-xin COVID-19 và được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Mẫu mô và máu từ khối u ban đầu sau khi cắt bỏ hoặc sinh thiết sẽ được giải trình tự gien và tìm kiếm 34 protein đặc trưng cho ung thư của chính bệnh nhân đó. Vắc-xin mất 8 tuần để thiết kế, giúp tạo ra 34 kháng nguyên dựa trên chính các protein này.
Trong thời gian chờ đợi, họ sẽ được sử dụng Keytruda (pembrolizumab) đơn khoảng 2-3 lần, sau đó kết hợp vắc-xin trong 9 lần điều trị tiếp theo. Bản thân Keytruda sẽ được tiêm truyền mỗi 3 tuần một lần trong suốt 1 năm.
Nhân viên hãng Moderna sản xuất vắc-xin ung thư cá nhân hóa tại một cơ sở ở thị trấn Norwood, bang Massachusetts - Mỹ Ảnh: MODERNA
Theo kết quả thử nghiệm, trong số 107 bệnh nhân đã nhận được liệu trình kết hợp, 24 người bị tái phát ung thư (tỉ lệ 22%). Trong số 50 người chỉ dùng Keytruda, có 20 trường hợp tái phát (tỉ lệ 40%). Thời gian theo dõi chung cho cả 2 nhóm là 2 năm. Việc kết hợp này không làm tăng đáng kể các tác dụng phụ thường thấy của Keytruda mà giúp tăng mạnh tác dụng ngừa tái phát đã được chứng minh trước đó.
Trang NBC News dẫn lời ông Antoni Ribas, chuyên gia của Trường ĐH California ở Los Angeles (Mỹ), cho biết những phát hiện mới nói trên rất có ý nghĩa.
"Đây là lần đầu tiên vắc-xin ung thư được chứng minh là có lợi ích này - giảm gần 50% nguy cơ tái phát nhờ kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại bệnh ung thư của chính bệnh nhân".
Trong khi đó, ông Thomas Marron, làm việc tại Viện Ung thư Tisch (thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở Mỹ), cho biết sự tái phát thường xuất hiện sau 6 tháng đến 2 năm do các mảnh cực nhỏ của khối u di chuyển đến các nơi khác để thiết lập cơ sở và đó chính là những thứ mà vắc-xin ung thư nhắm vào.
Tiến sĩ Eliav Barr, Giám đốc Y tế của Merck, cho biết các kháng nguyên được tạo ra nhờ vắc-xin sẽ không tồn tại đủ lâu cho đến khi một khối u mới xuất hiện sau nhiều năm giống như cách chúng ta đợi một đợt bệnh COVID-19 mới, dù chống lại tốt đợt tái phát gần.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng là nó sẽ như các vắc-xin ngừa bệnh khác, cung cấp được "trí nhớ miễn dịch" dài hạn để đánh bại các tế bào ung thư trong tương lai. Merck bày tỏ kỳ vọng vào một thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn vào cuối năm nay, dựa trên những người mắc ung thư hắc tố giai đoạn 2 và 3.