Hội chẩn mẫu tại lễ khánh thành
Ngoài ra, còn có 2 bệnh viện của nước bạn Lào và 1 bệnh viện của Campuchia đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Sau 2 tháng hoạt động đã có hơn 1.000 điểm cầu KCB được kết nối, với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều cas bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế… giúp cho việc chữa trị bệnh nhân được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp chủ đạo là: “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Với thông điệp này, đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà còn có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng KCB y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Thông qua các hoạt động KCB từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên, mang lại sự tiện lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế, nhất là khi có dịch bệnh COVID-19. Qua đó, sẽ tạo được lòng tin của người dân với chất lượng KCB của y tế cơ sở nói riêng và toàn bộ hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh KCB từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở KCB tuyến dưới.
Tại An Giang, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương, KCB từ xa giúp việc chăm sóc và điều trị bệnh cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn, tiết kiệm rất nhiều chi phí đi lại, điều trị cho bệnh nhân vì không phải chuyển lên tuyến trên. Với nền tảng Telehealth của Viettel, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có cas nào cần hội chẩn với bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chỉ cần đăng ký hội chẩn thì phía Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ mở hệ thống lên, các vị giáo sư, bác sĩ đầu ngành sẽ tư vấn từng trường hợp cụ thể bệnh để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị hoặc phẫu thuật một cách chính xác và hiệu quả.
Sắp tới, các bệnh viên trong tỉnh đều kết nối với bệnh viện tuyến trên, đặc biệt ưu tiên cho 3 huyện miền núi, biên giới: Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú, trong đó sẽ hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị kết nối để đào tạo, học tập chuyển giao kỹ thuật và trao đổi hoặc tổ chức hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, tay nghề chuyên môn của đội ngũ, y bác sĩ tỉnh nhà.
TRÚC PHA - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)