Thứ hai, 29/06/2020,09:03 (GMT+7)
Khẩn trương khôi phục, chăm sóc vật nuôi, cây trồng
Vừa qua, huyện Mỏ Cày Bắc đã có sự chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Tuy người dân không thiếu nước sinh hoạt, nhưng nhiều vườn cây ăn trái đã bị giảm năng suất và có hiện tượng khô, chết. Thời điểm này xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, độ mặn trên các sông đã giảm, người dân bắt tay vào khôi phục, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
 
Lực lượng tham gia cấp nước ngọt cho người dân trong đợt hạn mặn.
Lực lượng tham gia cấp nước ngọt cho người dân trong đợt hạn mặn.
 
Chung tay phòng chống
 
Trong đợt hạn mặn năm 2020, huyện Mỏ Cày Bắc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân có đủ nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng với việc vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vận chuyển nước ngọt, huyện đảm bảo đủ phương tiện chứa nước, vận chuyển và cấp nước cho người dân theo tiêu chuẩn tối thiểu 20 lít/người/ngày.
 
UBND huyện xây dựng kế hoạch, chủ động cung cấp nước ngọt, tuyên truyền, vận động người dân dự trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và trồng trọt, chăn nuôi. Huyện tổ chức nhiều cuộc họp bàn các giải pháp phòng chống hạn mặn; hội thảo giải pháp phòng chống bằng biện pháp công trình và phi công trình. Ban chỉ đạo huyện, tổ giúp việc chủ động, tranh thủ vận động các chủ phương tiện xà lan, ghe, xe vận chuyển nước ngọt miễn phí về các xã, huyện tập trung lực lượng bơm vào các hồ, túi chứa, cấp cho người dân.
 
 Công an huyện thành lập đội tình nguyện với gần 10 chiến sĩ túc trực tại các điểm chứa để bơm nước. Đoàn thanh niên các xã thành lập đội xung kích phòng chống hạn mặn, hỗ trợ người dân chở nước về nhà, vận chuyển nước miễn phí cho các hộ già yếu, neo đơn, không có phương tiện vận chuyển. Với phương châm “4C” huyện đưa ra được các địa phương đồng tình hưởng ứng: “chuyển”: huyện vận động chuyển nước ngọt cung cấp cho các xã; “chứa”: nước ngọt được chứa vào các bể, túi chứa được trang bị sẵn; “chở”: các xã thành lập các tổ cấp phát, vận chuyển nước đến các hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ già cả neo đơn, bệnh tật và hộ không có phương tiện vận chuyển; “cho”: vận động các mạnh thường quân vận chuyển, cung cấp nước ngọt miễn phí cho tất cả các hộ dân trên địa bàn huyện.
 
Huyện trưng dụng hồ chứa của chùa Kỳ Viên, mua 26 túi chứa loại 25m3/túi trang bị cho các xã; trang bị 3 máy bơm và 2km đường ống để bơm nước ngọt. Đồng thời, trưng dụng tất cả các hồ bơi, bể bơi di động của Trung tâm Văn hóa và Thể thao, tư nhân và các trường học với tổng sức chứa khoảng 600m3 để trữ nước ngọt.
 
Phương châm “4C” của Mỏ Cày Bắc đã giúp người dân không thiếu nước trong mùa hạn mặn kéo dài. Huyện đã vận động các đơn vị, mạnh thường quân ủng hộ gần 22.000m2 nước ngọt, tập trung cung cấp cho 10 xã bị nhiễm mặn cao là: Thạnh Ngãi, Phú Mỹ, Thanh Tân, Hòa Lộc, Tân Thành Bình, Thành An, Khánh Thạnh Tân, Tân Bình, Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung.
 
Hoàn chỉnh hệ thống cống
 
Các ban, ngành tỉnh, huyện còn vận động mạnh thường quân trong và ngoài huyện hỗ trợ 1.574 bồn chứa nước các loại, 1.668 thùng nước, 5.175 bình nước uống. Tỉnh hỗ trợ lắp đặt 6 máy lọc mặn RO công suất từ 312m3/ngày đêm với kinh phí 8,8 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 80 máy lọc mặn RO với kinh phí trên 4 tỷ đồng lắp đặt khắp các xã để phục vụ nhu cầu cấp nước ngọt cho người dân.
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trong dân. Các xã đã hỗ trợ cho khoảng 43.986 hộ, với 113.985 nhân khẩu. Trong đó, đối tượng già yếu, neo đơn 2.120 hộ; bệnh tật 282 hộ; 410 hộ chính sách, 491 hộ nghèo và 822 hộ cận nghèo.
 
Thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi cũng giảm hơn so với hạn mặn năm 2016; trong đó, cây giống chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, bưởi, cau với diện tích 55,3ha; cây ăn trái các loại diện tích 81,88ha; thủy sản 2,88ha. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 55,5 tỷ đồng.
 
Ông Mai Văn Cang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Về cơ bản, 60 - 70% số xã đã có bờ bao, đê bao ngăn triều cường và ngăn mặn. Tuy nhiên, hệ thống sông rạch trên địa bàn huyện khá chằng chịt, khi mặn xâm nhập sâu, nước mặn vẫn len lỏi vào các nhánh sông nhưng độ mặn đã giảm.
 
Trong thời gian tới, Mỏ Cày Bắc sẽ tranh thủ nguồn vốn của các ngành tỉnh, Trung ương hỗ trợ xây dựng giai đoạn 2 bờ bao ấp Tân Nhơn, xã Hưng Khánh Trung A; bờ bao Tân Thông 2, Tân Thông 3, xã Thanh Tân; bờ bao ấp Gia Phước, xã Hưng Khánh Trung A; bờ bao ấp Phước Hậu, xã Phước Mỹ Trung; bờ bao ấp Kinh Gãy, xã Phú Mỹ. Khi các tuyến đê bao này hoàn thành sẽ đáp ứng đến 90% nhu cầu chống ngập do triều cường cũng như ngăn hạn mặn.
 
“Khi tranh thủ được nguồn vốn hoàn chỉnh hệ thống cống Vàm Thom, hệ thống đê bao ven sông Cổ Chiên (22 cống), cống Vàm Nước Trong từ Cái Cấm đến Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ (40 cống), Mỏ Cày Bắc sẽ được khép kín hoàn toàn”, ông Mai Văn Cang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
 
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỏ Cày Bắc vừa trao 50 bồn chứa nước (loại 500 lít). Tổng trị giá 60 triệu đồng. Đợt này, Ban vận động Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam trao 500 bồn chứa nước (loại 500 lít) cho các hộ gia đình khó khăn của 13 xã huyện Mỏ Cày Bắc. Tổng trị giá 600 triệu đồng.
 
Thu Duyên - Thảo Oanh - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu