Thứ năm, 14/05/2020,07:22 (GMT+7)
Khảo sát mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế để nhân rộng
Ngày 13-5, đồng chí Phạm Lệ Lam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh khảo sát mô hình chăn nuôi có hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân của hội nông dân trên địa bàn TP. Sóc Trăng.
Đoàn đến khảo sát mô hình chăn nuôi của ông Trần Hoàng Sơn, ở Khóm 5, Phường 2 (TP. Sóc Trăng). Đây là mô hình được Hội Nông dân thành phố cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Ông Sơn chia sẻ: “Trước năm 1988, tôi dạy học ở Thạnh Trị, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương giáo viên ít ỏi nên bỏ nghề về đây sinh sống. Năm 1991, gia đình dành dụm được một ít tiền mua 2.000m2 đất nông nghiệp sản xuất. Hội Nông dân Phường 2 và Hội Nông dân thành phố thấy tôi chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn sản xuất nên tạo điều kiện cho tôi vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân được 60 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi xây dựng chuồng trại, đào ao nuôi cá, ếch, gà, heo và ruồi lính đen. Hiện nay, mô hình kết hợp của tôi mỗi năm thu lãi trên 30 triệu đồng, kinh tế gia đình tạm ổn định và trả được 20 triệu đồng tiền vốn vay".
Đoàn khảo sát mô hình chăn nuôi kết hợp của chú Sơn. Ảnh: K.N
 
Tiếp đó, đoàn đến khảo sát mô hình chăn nuôi dê thịt của anh Võ Thành Tâm, thuộc Khóm 5, Phường 8 (TP. Sóc Trăng). Trước đây, anh Tâm đào ao nuôi tôm nhưng không mang lại hiệu quả nên chuyển sang thả cá. Thấy anh Tâm cần cù chịu khó, Hội Nông dân Phường 8 và Hội Nông dân thành phố tạo điều kiện cho anh vay 100 triệu đồng cũng từ quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng chuồng trại và mua dê làm giống. Cách đây 3 năm, từ những con giống đầu tiên, nay đàn dê của anh Tâm tăng lên 80 con. Theo anh Tâm, nuôi dê cũng không khó, lợi nhuận khá, đời sống kinh tế gia đình được cải thiện nhờ nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân.
 
Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục khảo sát mô hình trồng nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo mang lại hiệu quả kinh tế khá cao của anh Cô Văn Nỉ, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề (Trần Đề). Mô hình của anh Nỉ sử dụng vốn nhà, không sử dụng vốn vay của quỹ hỗ trợ nông dân. Anh Nỉ cho biết, vốn đầu tư cho mô hình trồng nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo khá cao, nhưng đầu ra của sản phẩm ổn định, vì vậy vợ chồng anh mạnh dạn trồng và mong muốn có vốn để mở rộng thêm diện tích.
 
Đồng chí Phạm Lệ Lam cho biết, qua khảo sát thực tế nhằm đánh giá lại các mô hình sử dụng nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân xem hiệu quả mang lại ra sao để báo cáo về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời muốn tìm hiểu thêm những cách làm hay, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế; mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh, để từng bước nhân rộng.
 
K.N - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu