Thứ ba, 02/06/2020,09:17 (GMT+7)
Khi hợp tác xã xây dựng thương hiệu gạo an toàn
Bên cạnh liên kết với doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất lúa an toàn, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Bình (Thoại Sơn, An Giang) còn đa dạng các loại hình dịch vụ để tăng nguồn thu, lợi nhuận. Gần đây nhất, HTX còn nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gạo an toàn An Bình” với mục tiêu đưa sản phẩm gạo sạch do chính HTX sản xuất tiếp cận người tiêu dùng nội địa.
 
Đa dạng dịch vụ
 
Cách nay hơn 10 năm, tại xã An Bình (Thoại Sơn) từng có 1 HTX ra mắt nhưng hoạt động không mấy hiệu quả. Do vậy, cuối tháng 10-2015, khi HTX nông nghiệp An Bình chính thức ra mắt, không ít nông dân vẫn còn ái ngại tham gia. Do vậy, chú trọng tính hiệu quả, tạo niềm tin cho xã viên là ưu tiên hàng đầu của những người tham gia sáng lập HTX nông nghiệp An Bình - một trong những HTX kiểu mới đầu tiên của An Giang có sự tham gia của doanh nghiệp (Tập đoàn Lộc Trời góp vốn và cử nhân sự tham gia điều hành, hỗ trợ hoạt động của HTX).
 
Ông Trịnh Công Minh giới thiệu sản phẩm gạo an toàn của hợp tác xã nông nghiệp An Bình
 
Với quyết tâm xây dựng HTX nông nghiệp An Bình trở thành một trong những HTX kiểu mẫu để nhân rộng trên địa bàn An Giang, HTX thường xuyên được tỉnh và địa phương quan tâm hỗ trợ. Đây là 1 trong 4 HTX được tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 (3 HTX nông nghiệp còn lại được hỗ trợ là Phú An, Phú Thạnh và Vĩnh Bình).
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX nông nghiệp An Bình Trịnh Công Minh cho biết, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, HTX đã đối ứng xây dựng được trụ sở hoạt động khang trang, rộng rãi cùng cửa hàng trưng bày vật tư nông nghiệp, phòng làm việc cho nhân viên và ban quản lý, phòng họp, kho chứa hàng… Dịp này, HTX đã kết hợp tráng bê-tông lối đi, sân bãi để tạo vẻ mỹ quan, sạch đẹp.
 
Có được kết cấu hạ tầng vững chãi, HTX đã mạnh dạn mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư thêm các loại hình dịch vụ nhiều tiềm năng. Bên cạnh cửa hàng vật tư nông nghiệp để cung ứng vật tư cho nông dân trong vùng, HTX đã đầu tư hệ thống lọc nước uống đóng bình theo quy trình công nghệ hiện đại.
 
“Chúng tôi sử dụng máy khoan để lấy nước từ mạch nước ngầm, cho chạy qua quy trình lọc RO tự động. Sản phẩm có đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, đóng thành các loại bình lớn, nhỏ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
 
Nhờ sử dụng nước ngầm nên dù có để lâu cũng không biến đổi mùi, giữ được vị ngọt tự nhiên của nước” - ông Minh giới thiệu.
 
Từ giống lúa Lộc Trời 18 do HTX sản xuất theo quy trình canh tác an toàn, mới đây, HTX đã cho đóng gói bao bì với thương hiệu “Gạo an toàn An Bình”, xây dựng hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
 
“Loại gạo này có hình dáng, phẩm chất thơm ngon tương tự như gạo ST24 (sản phẩm của kỹ sư Hồ Quang Cua, được vinh danh gạo ngon thế giới năm 2019). Mong muốn của HTX là đưa sản phẩm gạo ngon, an toàn đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước” - ông Minh chia sẻ.
 
Mở rộng hoạt động
 
Khi thành lập năm 2015, HTX nông nghiệp An Bình chỉ có 44 thành viên tham gia với diện tích khoảng 200ha đất. Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, không chạy theo số lượng, HTX liên kết chặt chẽ với Tập đoàn Lộc Trời về xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình canh tác an toàn. Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình canh tác; HTX cung ứng dịch vụ cày xới, sạ lúa, phun thuốc...
 
Đến cuối vụ, HTX có đội thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp để thu gom lúa của xã viên, làm đầu mối cung ứng lúa cho Nhà máy lương thực Thoại Sơn (thuộc Tập đoàn Lộc Trời). Trong quá trình liên kết, HTX được Tập đoàn Lộc Trời chi lại huê hồng trên sản lượng lúa thu mua để bổ sung vào kinh phí hoạt động và lợi nhuận của HTX.
 
Nhờ đầu ra ổn định, lợi nhuận bền vững nên số nông dân đăng ký tham gia vào HTX ngày càng nhiều. Ông Trịnh Công Minh cho biết, đến nay, HTX đã có được 78 xã viên, với diện tích sản xuất 620ha (vụ đông xuân 2019-2020). Không chỉ nông dân An Bình, các xã lân cận như: Tây Phú, Vọng Đông, Vọng Thê (Thoại Sơn) mà nông dân ở Tân Tuyến, Lương An Trà, Vĩnh Phước (Tri Tôn) cũng biết tiếng tham gia.
 
“Vụ đông xuân 2019-2020, ngoài các giống OM18, OM5451, Lộc Trời 1 do Tập đoàn Lộc Trời cung cấp và bán lại cho Nhà máy lương thực Thoại Sơn theo giá thị trường, HTX còn canh tác khoảng 120ha giống Lộc Trời 18, Lộc Trời 28 với giá bao tiêu cố định 6.000 đồng/kg, trong đó có 50ha trồng theo Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP), được Tập đoàn Lộc Trời cộng thêm 1.000 đồng/kg (giá cố định 7.000 đồng/kg)” - ông Minh thông tin.
 
Từ giống lúa Lộc Trời 18 với tiêu chuẩn quốc tế SRP, thương hiệu “gạo an toàn An Bình” đang dần hình thành. Sản phẩm được Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ thiết kế, đóng gói bao bì bắt mắt, đăng ký mã vạch, ghi rõ thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng an tâm.
 
“Tại sao An Giang mình là xứ lúa nhưng người dân lại khó tiếp cận gạo sạch, an toàn để ăn? Bữa cơm ngày nay không chỉ “để no” mà còn “phải ngon, chất lượng”. Đó là lý do HTX quyết tâm đưa sản phẩm gạo an toàn đến với người tiêu dùng tỉnh An Giang cũng như cả nước” - ông Minh khẳng định.
 
 
Sản phẩm nước uống đóng bình và gạo an toàn mang thương hiệu An Bình đang được HTX nông nghiệp An Bình đăng ký tham gia Chương trình quốc gia mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang. Mong muốn của HTX là góp thêm sản phẩm đặc sản An Giang, tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng trong nước.
 
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu