PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên đều tăng qua hằng năm. Cùng với chuyên môn, ngoại ngữ là yếu tố được trường đặc biệt coi trọng.
Tốt nghiệp chậm do thiếu ngoại ngữ
Tùy mỗi chương trình, quy định của mỗi trường nhưng các trường hầu như đều quy định chuẩn đầu ra đối với sinh viên không chuyên ngữ hệ đại trà đều 4.5 IELTS và quy đổi tương đương.
Sinh viên thực hành giao tiếp tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Dũng cho biết những năm trước trường quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ là 600 TOIEC đối với hệ chất lượng cao, hệ đại trà 550. Trước kia, trường chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ với hệ không chuyên là 450, sau đó nâng lên 500…
Ông Dũng cho rằng chuyên môn là chưa đủ mà sinh viên cần phải có ngoại ngữ tốt. Tại trường, tỉ lệ sinh viên nhận bằng tốt nghiệp thường là 58%, còn lại 42% chưa tốt nghiệp do yếu ngoại ngữ. Trước kia, các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên của trường đều chê yếu ngoại ngữ nên trường phải cải thiện, yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ sẽ tăng trong những năm tới.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, để nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên phải có ngoại ngữ tiến Anh TOIEC 500 cho hệ đại trà, 700 cho hệ chất lượng cao hoặc tương đương. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, cho biết để đạt được yêu cầu ngoại ngữ đầu ra, sinh viên cần có lộ trình và được chấp nhận, tránh trường hợp sinh viên học đủ các tín chỉ nhưng thiếu chứng chỉ ngoại ngữ nên không thể ra trường.
TS Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho biết đối với hệ đại trà, chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 4.5 IELTS. Mức này được ông Long cho là thấp và muốn nâng chuẩn trong những năm tới nhưng sinh viên tốt nghiệp chậm tiến độ có phần lý do là yếu ngoại ngữ.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết trường áp dụng đầu ra B1 theo chuẩn châu Âu đối với sinh viên không chuyên ngữ. Thế nhưng, số sinh viên chưa thể nhận bằng tốt nghiệp do thiếu ngoại ngữ chiếm tỉ lệ khá.
Phải nâng chuẩn tiếng Anh từ bậc phổ thông
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng chuẩn tiếng Anh phải nâng cao hơn để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chuẩn đầu vào đối với sinh viên có sự chênh lệch lớn. Với những sinh viên ở các trung tâm TP lớn, trình độ tiếng Anh nhìn chung tốt hơn các tỉnh.
Cùng quan điểm này, thạc sĩ La Vũ Thùy Anh, Phó trưởng Phòng ĐH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết trường hiện tại đang áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ tiếng Anh đối với sinh viên không chuyên ngữ là 5.0 IELTS; hệ chất lượng cao là 5.5; hệ dạy bằng tiếng Anh là 6.0. Cô Thùy Anh cho rằng mức 5.0 đối với hệ đại trà là phù hợp với đa số sinh viên. "Mặt bằng chung, sinh viên nhiều vùng miền khác nhau. Với sinh viên ở các trung tâm thành phố lớn thì mức này không cao nhưng ở các khu vực khó khăn thì lại cao" - cô Thùy Anh nói.
Theo công Thùy Anh, việc nâng chuẩn tiếng Anh cho sinh viên cần thiết các trường ĐH phải tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh. Hơn nữa, đề án dạy và học tiếng Anh ở chương trình phổ thông cần sự hiệu quả.
PGS Huỳnh Thanh Hùng cũng cho rằng nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên là điều trường nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chất lượng đầu vào không đồng đều nên khó nâng chuẩn. Do vậy, chuẩn hóa tiếng Anh ngay từ bậc phổ thông phải được coi trọng.
Cần giáo viên đạt chuẩn
Các chuyên gia giáo dục cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ. Việc sử dụng tốt cần có môi trường và trước hết là phải được đào tạo chuẩn từ khi mới bắt đầu. Với tình hình dạy, học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay, hầu hết đều lệch chuẩn bởi ngay cả giáo viên dạy tiếng Anh còn chưa đạt chuẩn. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách để đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ở các cấp học; ngoài ra cần áp dụng công nghệ vào dạy học. Chỉ khi đó, việc dạy, học tiếng Anh mới mang lại hiệu quả.