Thứ tư, 13/11/2019,09:39 (GMT+7)
Khó xử lý việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã “biến” nước ngọt thành nước mặn và đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng không theo bất cứ quy hoạch nào.
 
“Biến” nước ngọt thành nước mặn để nuôi tôm
Trước đây, huyện Mộc Hóa chỉ quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Thế nhưng, vài năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Tân Lập đã tự đào ao và “biến” nước ngọt thành nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 15ha (8 hộ).
 
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Lê Văn Phân, thực tế, người dân nuôi tôm bước đầu có siêu lợi nhuận. Trung bình 1ha, sau 3 tháng nuôi thu được 36-37 tấn tôm, người dân lãi trên 2 tỉ đồng. Hiện nay, người nuôi chưa có vụ nào lỗ, ngược lại, lợi nhuận gấp mấy chục lần so với trồng lúa. Do đặc thù là vùng nước ngọt, để có độ mặn nuôi tôm, nhiều hộ dân đã tự ý khoan giếng với độ sâu hơn 30m và pha thêm muối xuống ao để tăng độ mặn.
 
Người nuôi có lợi nhuận cao khi  nuôi tôm nước lợ trên vùng nước ngọt
“Toàn xã hiện có 21 giếng khoan, nguồn nước từ giếng khoan có độ kiềm và mức an toàn cao hơn nước ngoài sông, kênh, rạch, vì vậy sẽ ít rủi ro hơn. Do đó, người dân bất chấp khuyến cáo cứ ồ ạt khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. 100% hộ nuôi tôm thẻ trong vùng ngọt hóa đều khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm” - ông Phân nói thêm.
 
Theo anh Nguyễn Văn Thuận, ngụ xã Tân Lập, vốn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 500 triệu đồng cho hơn 1.000m2. Hiện tôm thẻ chân trắng có giá 140.000 đồng/kg, sau 3 tháng nuôi, khi trừ chi phí, nông dân lời 300-400 triệu đồng/1.000m2, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Anh Trương Thành Sơn, ngụ xã Tân Lập, cho biết: “Trồng lúa bây giờ lợi nhuận không cao, chỉ khoảng 20-25 triệu đồng/năm/ha. Do đó, chúng tôi chuyển đổi sang nuôi tôm, bước đầu mang lại hiệu quả rất cao. Một vụ nuôi tôm bằng nhiều năm làm lúa”.
 
Việc người dân “xé rào” quy hoạch, tự phát đào ao nuôi tôm nước lợ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Qua khảo sát, đa phần các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải cho từng cụm, vùng mà thải trực tiếp ra sông hoặc môi trường sống, về lâu dài nguy cơ làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất, nguồn nước; nhiều khả năng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, nhiễm mặn. Bên cạnh đó, việc đào giếng vô tội vạ lấy nước cho các ao cũng khiến mạch nước ngầm cạn kiệt.Điều này khiến tình trạng nước nhiễm mặn, phèn ở địa phương thời gian dài sẽ ngày một trầm trọng.
 
Rất khó xử lý
Ông Lê Văn Phân thừa nhận, trên địa bàn xã có 15,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng.Chính quyền địa phương đã nắm được sự việc trên nhưng rất khó xử lý để ngăn chặn người dân nuôi tôm, bởi so sánh trên cùng diện tích giữa nuôi tôm với trồng lúa và cây trồng khác thì nuôi 1 vụ tôm lợi nhuận cao hơn so với 10 năm trồng lúa.Hiện tại, chính quyền khuyến cáo, lập biên bản nhắc nhở người dân chứ cũng chưa dùng biện pháp mạnh được.
Người nuôi có lợi nhuận cao khi  nuôi tôm nước lợ trên vùng nước ngọt
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam, thực tế hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tân Lập đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nên việc cấm người dân nuôi tôm là rất khó, nhưng về lâu dài sẽ cấm người dân khoan giếng nuôi tôm trong vùng ngọt hóa, ngoài vùng quy hoạch. Nếu không cấm nuôi, người dân ồ ạt nuôi thì môi trường sẽ ô nhiễm, dần dần sẽ tự đào thải.Để ngăn chặn việc người dân tái diễn nuôi tôm, chính quyền các cấp từ huyện đến xã thành lập ban vận động, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.Ngoài ra, UBND các xã tổ chức cho người dân thực hiện ký cam kết không nuôi tôm và trám lấp các giếng khoan nước mặn để nuôi tôm trong vùng ngọt hóa.
 
“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các ngành liên quan làm việc với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không mở rộng diện tích; tham mưu UBND huyện chỉ đạo kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật khi tự ý đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện; khuyến cáo người dân không tổ chức nuôi ồ ạt. Căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý giống thủy sản, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; tuyên truyền để người dân nắm bắt được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài về việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân” - ông Nam cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện khẳng định, nuôi tôm trong vùng ngọt tính bền vững không cao.Nếu nuôi thì cũng chỉ được vài năm, hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất.Đối với những vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng lấy nước mặn từ tầng ngầm để nuôi tôm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường tầng nước ngọt, sẽ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa.
 
Mặc dù hiện nay, việc ngăn chặn người dân nuôi tôm không trong vùng quy hoạch gặp khó khăn nhưng chính quyền các cấp cần tuyên truyền, giáo dục không cho người dân ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm. Sở cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý việc khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy định pháp luật; việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng; đánh giá tác động môi trường của việc khoan giếng lấy nước mặn và xả thải nước có độ mặn 4-6‰ đối với môi trường”./.

Theo thống kê, tại các địa phương vùng Đồng tháp Mười của tỉnh hiện có trên 40ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa. Năng suất trung bình khoảng 1-2 tấn/1.000m2, cá biệt có hộ đạt 5 tấn/1.000m2.

Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu