Thứ hai, 17/05/2021,15:47 (GMT+7)
Khóc ròng vì “sốt đất” ảo
Đầu tháng 3-2021, sau khi có thông tin về đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc-ních 500ha (tỉnh Bình Phước) hay sân bay Lai Khê (tỉnh Bình Dương), giá đất quanh khu vực này được “cò” đất “thổi” tăng chóng mặt. Thế nhưng giá đất chỉ “sốt” ảo một thời gian ngắn rồi lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư bỏ tiền tỷ “ôm” đất đang khóc ròng.
Mua giá cao rồi bán không được 

Trở lại khu vực có tin đồn quy hoạch sân bay Téc-ních cách đây 2 tháng, chúng tôi nhận thấy không khí mua bán đất nền khá ảm đạm khi chỉ thi thoảng mới có một số người từ nơi khác đến hỏi mua đất. Tại khu vực Thác số 4 (xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản), lúc trước là điểm giao dịch nhộn nhịp nhất, mỗi ngày có hàng trăm ô tô đến, người mua bán đất tấp nập; giờ chỉ còn vài hàng quán vắng vẻ. Bà D., chủ quán nước, cho biết, hơn 2 tháng trước, 1 sào đất (1.000m²) nông nghiệp giá thực khoảng 200 triệu đồng. Sau khi có tin đồn quy hoạch sân bay, giá được đẩy lên cả tỷ đồng. Nhưng hơn 1 tháng sau, “cò” đất lặn mất tăm, thông tin quy hoạch sân bay cũng được cơ quan chức năng bác bỏ và cũng chẳng có dự án nào như “cò” đất rêu rao. 
 
Khóc ròng vì 'sốt đất' ảo ảnh 1
“Cò” đang giới thiệu dự án ảo tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TIẾN MINH
 
Anh L.V.H. (nhà cách Thác số 4 chừng 300m) cho biết, lúc trước, nhiều khách trả trên 1 tỷ đồng/sào đất nhưng gia đình chưa bán. Giờ thì rao bán 700 triệu đồng/sào cũng chẳng ai ngó ngàng, dù đây là khu đất bằng, vị trí đẹp. Chị M., nhà gần đó, cho hay, cách đây 2 tháng, gia đình chị bán 1,6ha đất (trong đó có 800m² đất thổ cư) cho một số người dân ở thị xã Bình Long với giá 9,2 tỷ đồng, nhận đặt cọc 1,5 tỷ đồng. Nhưng do giá đất giảm mạnh, người mua bỏ cọc, bặt tăm. 
 
Anh N.V.D. (quê tỉnh Bình Dương) đang hối hận vì bỏ ra 50 tỷ đồng mua đất nông nghiệp tại 2 xã An Khương và Tân Lợi. Nghe thông tin sắp xây sân bay Téc-ních, anh cùng một số bạn đã hùn vốn mua đất nông nghiệp, phân lô bán nền kiếm lời. Nhóm của anh D. chấp nhận mua đất giá cao nhưng rồi giá đất hạ xuống quá nhanh, khu đất này giờ chỉ còn giá 15 tỷ đồng, nên bán hay giữ lại đều lỗ. 

Thổi giá đất bằng dự án ảo

Chúng tôi trở lại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vào giữa tháng 5-2021, nơi giá đất tăng chóng mặt vào cuối tháng 3-2021 do nhóm “cò” đất  tạo ra (Báo SGGP đã có bài phản ánh). Theo “kịch bản” sân bay Lai Khê ở xã Lai Hưng sắp được xây dựng, nhóm “cò” dàn dựng, thuê hàng trăm ô tô dừng dọc các quán cà phê ven tuyến đường lớn ngồi bàn tán về sân bay, về khu dân cư Lai Hưng hiện đại và quy mô sắp được xây dựng. Sau đó chia nhau giao dịch đất bằng chính tiền của nhóm, người trước vừa mua xong, đã có người sau “lùng sục” mua lại với giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng. Vì vậy chỉ vài ngày sau, cùng một lô đất đã tăng giá tới 4 lần, khiến không ít người hoa mắt trước món hời này. Thời điểm tháng 2-2021, lô đất vị trí đường hẻm có giá chỉ 70 triệu đồng/mét ngang cũng khó bán, thì đến đầu tháng 3-2021, “cò” đẩy giá lên 120 triệu đồng/mét ngang. Cá biệt có lô đất khi giao dịch ban đầu giá 1 tỷ đồng/150m², đã được thổi giá lên 4 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần. 

Theo ông Bành Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, thời điểm “sốt” đất trong khu vực, có ngày ông phải ký hơn 100 hồ sơ đất đai, gấp hơn 3 lần so với trước. Nhận thấy quá nhiều rủi ro tiềm ẩn, người dân dễ bị dính bẫy của nhóm “cò” đất, lãnh đạo địa phương đã tổ chức tuyên truyền lưu động, tạm ngưng giải quyết các giao dịch có dấu hiệu bất thường; đồng thời, phân công lực lượng công an theo dõi, xác định được nhóm hơn 10 người chuyên giao dịch đất qua lại tạo “sốt” ảo. Ông N.V.T. (56 tuổi, ngụ xã Lai Hưng) chua xót kể: “Trước đây đất trong khu vực giao dịch chậm. Sau tin đồn xây sân bay Lai Khê, hàng trăm người trong xã quan tâm mua bán đất khiến tôi bị cuốn theo. Bản thân tôi cũng vay mượn người thân, ngân hàng gần 2 tỷ đồng để mua hơn 100m2 đất ở ấp Bến Tượng, nhưng giờ bán lỗ cũng không ai mua. Đau nhất là phải bỏ 400 triệu đồng tiền cọc miếng đất, vì người hỏi mua lại với giá cao hơn gấp rưỡi đã không mua. Sau này mới biết, 2 người này thuộc nhóm “cò” chuyên thổi giá, lừa đảo người nhẹ dạ như tôi”.

Một điểm “sốt đất” khác ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi chỉ nửa tháng trước, “cò” đất xuất hiện khắp nơi, nay im ắng không ngờ. Giá đất tăng tại đây từ tin một tập đoàn lớn sẽ đầu tư dự án hàng trăm héc ta tại xã Bình Ba. Dù hai bên tuyến đường Bình Ba - Đá Bạc đa số là rừng cao su, vườn điều nhưng có thời điểm giá đất bị đẩy lên đến 3-4 triệu đồng/m2, tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một chiêu thức rất cũ mà các “cò” đất thổi giá áp dụng là tạo dự án ảo (quy hoạch sân bay, mở đường, dự án đô thị mới…) sau đó thổi phồng giá đất qua các “chân rết”.

Làn sóng “sốt đất” lan rộng

Tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), vài tháng trở lại đây, giá đất tại khu vực ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú) tiếp tục tăng khi thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất Thủ tướng mở đường kết nối với sân bay Long Thành. Hiện mỗi ngày có hàng trăm ô tô tìm về những khu đất trống, vườn cao su… đang được rao bán để giành nhau mua. Giá đất dọc hai bên đường ĐT 753, đi từ TP Đồng Xoài đến cầu Mã, mỗi mét ngang đất mặt đường, sâu khoảng 50m, có giá 130-150 triệu đồng. Một vườn cao su khoảng 2ha cách đây không lâu khoảng 1 tỷ đồng, nay đang được thổi giá lên 28-30 tỷ đồng.  
Khóc ròng vì 'sốt đất' ảo ảnh 2
Lực lượng chức năng cưỡng chế tuyến đường xây dựng trái phép để phân lô bán nền tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
 
Tại một số vùng nông thôn ở Đồng Nai, “cò” đất về lùng sục, gom đất của người dân địa phương, sau đó tung tin đồn sắp mở khu công nghiệp, làm đường cao tốc rồi dẫn khách đến mua. Chị Nguyễn Thị Loan, ngụ ấp Cây Da, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, cho biết, không hiểu do đâu mà ở địa phương xuất hiện nhiều nhóm người ở các nơi về thu gom đất của dân rồi bán lại với giá tăng chóng mặt. Người ở đây chỉ nghe nói sắp làm đường cao tốc nhưng không biết rõ thế nào. Một ha đất mua năm 2019 tầm 300 triệu đồng, nay vọt lên 3 tỷ đồng. 

Tại xã vùng cao Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, “cò” đất cũng đang đưa ra dự án mở khu công nghiệp để tạo cơn “sốt đất”. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP,  Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài khẳng định, huyện không có khu công nghiệp Gia Canh nào sắp triển khai. Đó chỉ là tin đồn.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quý 1-2021, văn phòng đã tiếp nhận 47.194 hồ sơ, tăng 29,72% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng hồ sơ tăng mạnh phần lớn do cơn “sốt đất” ảo khiến giao dịch chuyển nhượng tăng cao. Khảo sát tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Phú Mỹ và TP Vũng Tàu, từ sau Tết Tân Sửu đến cuối tháng 4-2021, giá đất tăng 2-3 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5-2021, giá đất giảm mạnh, các giao dịch bị đóng băng.
NHÓM PV - (sggp.org.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu