Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chúc mừng ngành hàng không và tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đón hành khách thứ 115 triệu qua sân bay Phú Bài. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, Cảng HKQT Phú Bài được quy hoạch là cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Hiện nay, sân bay Phú Bài đã vượt công suất khoảng 30%. Vì thế, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới tại Cảng HKQT Phú Bài là rất cấp bách và cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ chủ đầu tư ACV hoàn thiện các thủ tục, quản lý dự án đúng quy định; các đơn vị thi công công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng,...
ACV cho biết, việc thi công Nhà ga hành khách T2 sẽ không làm gián đoạn hoạt động của Cảng HKQT Phú Bài. Theo đó, công trình được triển khai ở vị trí riêng biệt nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động tại sân bay Phú Bài.
Theo Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh, trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Phú Bài luôn duy trì mức tăng trưởng từ 12 đến 18%/năm. Năm 2019, sản lượng cất - hạ cánh đạt gần 12 nghìn lượt/chuyến, sản lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Phú Bài đạt gần 2 triệu lượt khách, vượt quá công suất của nhà ga, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn. Công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm đến 2020 và 9 triệu hành khách/năm đến 2030.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Phú Bài do ACV làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục công trình Nhà ga hành khách; hệ thống đường tầng, đường giao thông; sân đỗ ô tô và các hạng mục phụ trợ đồng bộ.
Diện tích xây dựng Nhà ga T2 hơn 10.100 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 22.381 m2, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó 4 triệu hành khách nội địa/năm và 1 triệu hành khách quốc tế/năm), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý 4-2021.
Nhà ga được thiết kế 2 cao trình, 3 tầng gồm tầng 1, tầng lửng và tầng 2. Tầng 1 gồm sảnh đến, băng chuyền hành lý, phòng điều khiển vận hành, khu vực nhập cảnh, cảng vụ, hải quan, phòng cho phi hành đoàn, phòng chờ VIP, phòng hành lý thất lạc, các phòng kỹ thuật điện, phòng kiểm soát an ninh,...
Tầng lửng gồm văn phòng các hãng hàng không, phòng điều hòa không khí; tầng 2 gồm sảnh đi, khu vực làm thủ tục, kiểm soát an ninh, khu vực xuất cảnh, khu vực chờ lên máy bay, văn phòng, khu vực dịch vụ,... Nhà ga hành khách có hệ thống đường dẫn ra máy bay gồm 4 ống lồng, trong đó 3 ống code C và 1 ống lồng đôi.
Nhà ga có kiến trúc độc đáo, phong cách hiện đại, phát huy nét đặc thù văn hóa kiến trúc cung đình Huế với đặc trưng là các lớp mái chồng xếp lên nhau và vươn xa, thể hiện khát vọng vươn lên và hướng tới tương lai, tạo ấn tượng đặc biệt cho hành khách mỗi khi đi đến CHKQT Phú Bài.
Cảng HKQT Phú Bài có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền trung. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Phú Bài hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường kết nối Thừa Thiên Huế với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nước trong khu vực và thế giới; khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch; góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh, với trách nhiệm là chủ đầu tư, ACV cam kết quản lý tốt dự án, yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiến độ đưa dự án vào khai thác.
Cùng với việc triển khai Dự án Nhà ga T2 CHKQT Phú Bài, trong thời gian tới, ACV tiếp tục triển khai các dự án quan trọng như T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, T2 Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HKQT Vinh, xây dựng mới CHK Điện Biên; sẵn sàng triển khai giai đoạn 1 dự án Cảng HKQT Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của các vùng, địa phương; tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn hàng không, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, năng động, hấp dẫn hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Sân bay Phú Bài được Pháp xây dựng năm 1940, đường băng bằng đất nện kích thước 1.280 m x 40 m, sau đó được nâng cấp, cải tạo thành đường băng bêtông nhựa kích thước 1.800 m x 40 m. Đất nước thống nhất, sân bay Phú Bài được thành lập và đưa vào khai thác ngày 26-3-1976, là sân bay hỗn hợp dùng chung quân sự và hàng không dân dụng.
Năm 1994, sân bay Phú Bài được đầu tư nâng cấp, kéo dài đường cất - hạ cánh từ 1.800 m lên 2.700 m về phía đông để có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung. Giai đoạn 2000 – 2004, sân bay Phú Bài đã được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu; hệ thống ILS; hệ thống khí tượng tự động AW11; Đài DVOR/DME ; Đài LOC, GP, DME; xây dựng nâng cấp mở rộng nhà ga; sân đậu tầu bay; đồng thời làm sân bay dự bị cho các đường bay quốc nội và quốc tế.
Sau thời gian dài khai thác, sử dụng, cơ sở hạ tầng của Cảng HKQT Phú Bài xuống cấp nên đầu năm 2013, ACV đã đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng trích từ Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty, hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 9-2013.
Sau sửa chữa và mở rộng, chiều rộng đường hạ cất cánh có kích thước 2.700m x 45 m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4D theo phân cấp của ICAO, có khả năng tiếp thu các loại máy bay tầm trung như A320/A321 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống băng chuyền hành lý, hệ thống soi chiếu an ninh, hệ thống làm thủ tục hàng không, hệ thống hiển thị thông tin, hệ thống phát thanh.
Những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển và đi lại bằng đường hàng không của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực tăng cao. Tại Cảng HKQT Phú Bài, hiện có 4 hãng hàng không trong nước, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay từ Huế đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các chuyến bay charter quốc tế đi các nước trong khu vực.
Nhân sự kiện này, ACV đã trao tặng 5 nhà tình nghĩa cho 5 hộ nghèo tại xã Thủy Tân và Thủy Phù, mỗi nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng.