Chủ nhật, 10/05/2020,15:49 (GMT+7)
Khởi nghiệp nông nghiệp sạch cần có chiến lược dài hạn
Những năm gần đây, tỉnh có nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “ăn nên làm ra” với con đường làm nông nghiệp sạch không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều startup trong lĩnh vực này đúc kết: Để thành công với nông nghiệp sạch thì niềm đam mê và quyết tâm vẫn chưa đủ, cần phải có chiến lược dài hơi mới có thể trụ vững.
Mô hình trồng dưa lưới khắc chữ thư pháp của nông dân Trần Thanh Tiền (huyện Hồng Ngự)
 
Chật vật buổi ban đầu
 
“Không phải thấy thị trường đang có nhu cầu, mình có khả năng sản xuất là có thể dấn thân vào khởi nghiệp. Khởi nghiệp nông nghiệp không đơn giản là một cộng một bằng hai mà nó còn là những câu chuyện dài hơi phía sau. Để khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực nông nghiệp, điều quan trọng là phải có chiến lược, phải biết sản phẩm mình làm ra bán ở đâu, giá cả cạnh tranh như thế nào, điều quan trọng là phải làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất của mình” - anh Nguyễn Phước Việt Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Công nghệ Xuân Minh, (xã Mỹ Hiệp, huyện cao Lãnh), chia sẻ sau hành trình gần 3 năm dấn thân vào con đường khởi nghiệp trồng rau thủy canh.
 
Giữa năm 2017, sau thời gian nghiên cứu và học tập nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Nguyễn Phước Việt Cường gom góp hết vốn khoảng 2,2 tỷ đồng để xây dựng vườn rau thủy canh với diện tích 3.000m2. Dù được đầu tư bài bản, nhưng do buổi đầu chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật nên nhiều lứa rau đầu tiên của anh Cường đã không được thành công như mong đợi. Sau khi khắc phục được vấn đề kỹ thuật thì thị trường tiêu thụ lại chính là bài toán nan giải dành cho startup trẻ Nguyễn Phước Việt Cường. Thời gian đầu, mặc dù rau thủy canh của anh Cường được sản xuất bằng một quy trình khép kín và có chứng nhận VietGAP hẳn hoi nhưng giá bán vẫn không có nhiều chênh lệch so với giá rau cùng loại ngoài thị trường. Rõ ràng thị trường cho sản phẩm rau sạch là rất tiềm năng nhưng để rau sạch đến được với đúng đối tượng tiêu dùng thì bản thân các startup cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc tiếp thị, logistic, khai mở thị trường mới... nhưng đây là một trong những điểm yếu của startup khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp.
 
Sau nhiều nỗ lực, hiện tại nhiều sản phẩm rau thủy canh của anh Nguyễn Phước Việt Cường được tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thụ Coop Mart, Big C. Song theo anh Cường, con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi hiện chi phí đầu tư cho mô hình trồng rau thủy canh của anh Cường hiện tại khoảng trên 3 tỷ đồng, song doanh thu từ nguồn rau thủy canh hàng tháng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để có thể trụ vững thì bản thân doanh nghiệp này cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Một trong những cái khó lớn nhất của các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hoặc nông nghiệp sạch tại Đồng Tháp đang vướng là việc tìm kênh tiêu thụ phù hợp. Với các mặt hàng nông sản bình thường gần như các kênh tiêu thụ đều được kết nối sẵn từ hệ thống thương lái đến các chợ truyền thống và các chợ đầu mối. Trong khi đó nếu làm nông sản sạch thì một startup gần như phải đảm nhiệm hầu hết các khâu từ trồng trọt, phân phối đến tay người tiêu dùng.
 
Cần sức bền cho một hành trình dài hơi
 
Không giống với nhiều mô hình khởi nghiệp như: đầu tư công nghiệp chế biến, khởi nghiệp du lịch..., khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp là một cuộc hành trình dài đòi hỏi mỗi startup cần có nhiều nguồn lực để đeo đuổi. Trong đó, nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người là hai nhân tố được xem là quan trọng nhất. Bởi để xây dựng hoàn thiện và có thể thu lợi nhuận từ một mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, ít nhất startup cần phải đầu tư liên tục trong khoảng thời gian dài từ 3 – 5 năm. Nếu thiếu sức bền thì khả năng phá sản khi khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng rất cao.
 
Anh Trần Thanh Tiền, một bạn trẻ khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Để có thể hoàn vốn và thu lợi nhuận từ mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ trong ngày một ngày hai là có thể hoàn vốn mà nó cần một hành trình dài hơi khoảng từ 3 – 5 năm, tùy thuộc vào quy mô của dự án. Vì vậy bên cạnh việc làm chủ được công nghệ, kỹ thuật trồng thì người khởi nghiệp cần làm tốt việc kết nối tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Để vào được các kênh tiêu thụ ổn định như siêu thị thì cần phải làm nhãn mác rõ ràng để từng bước tạo dựng thương hiệu. Để làm được những việc kể trên thì cần có một quá trình chứ không thể nhanh được”.
 
Đồng quan điểm với nông dân Trần Thanh Tiền, anh Võ Thành Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà, huyện Cao Lãnh bày tỏ: “Hiện doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng nấm rơm sạch trong nhà kín. Chi phí này được chúng tôi sử dụng vào mục đích nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình trồng nấm rơm trong nhà kín và phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng sau nấm rơm. Mặc dù thời gian đầu rất khó khăn nhưng doanh nghiệp chấp nhận vì chúng tôi hiểu để có thể gắn bó lâu bền với mô hình kinh tế này phải chấp nhận đầu tư mạnh nguồn lực vào giai đoạn đầu”.
 
Sau khoảng gần 5 năm thành lập, đến nay ngoài sản phẩm nấm rơm tươi, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm khác như: nấm rơm sấy khô, nấm rơm muối; một số sản phẩm trái cây sạch... Doanh nghiệp này đang tìm kiếm một số đối tác lớn để việc sản xuất được đi vào quỹ đạo và phát triển ổn định. Sản phẩm nấm rơm sấy và nấm rơm muối của doanh nghiệp cũng đang được nhiều đối tác đánh giá cao và có nhiều triển vọng.
 
Mặc dù khó khăn và gian nan khi lựa chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, song với những cách làm mới mẻ, các startup ở Đồng Tháp đã góp phần giúp bức tranh nông nghiệp của tỉnh nhà có nhiều gam màu mới và tươi sáng hơn. Đây sẽ là những mô hình nền tảng giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
 
Mỹ Lý - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu