Thứ sáu, 13/11/2020,07:25 (GMT+7)
Khơi nguồn "chân trời tri thức"
Giai đoạn 2018-2020, công tác phối hợp phát triển văn hóa đọc trong học đường ở TP Cần Thơ được thực hiện có hiệu quả bằng nhiều mô hình, cách làm hay. Qua đó, học sinh nhận thức được vai trò của việc đọc sách, thêm yêu những trang sách.
Xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ các trường học trên địa bàn thành phố giúp lan tỏa tình yêu đọc sách trong học đường.
Xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ các trường học trên địa bàn thành phố giúp lan tỏa tình yêu đọc sách trong học đường.
 
Nổi bật nhất phải kể đến là chương trình "Cùng em đọc sách" phối hợp phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện tại các trường học. Thư viện TP Cần Thơ (TVTPCT) phối hợp tổ chức chương trình tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố với những hoạt động như triển lãm sách, thi tìm hiểu kiến thức lịch sử - văn hóa, thi viết cảm nhận về sách, các trò chơi vận động... Đặc biệt từ năm 2019, chương trình có sự hỗ trợ của xe thư viện lưu động đa phương tiện do Vụ Thư viện và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ, đã làm phong phú hơn các hoạt động, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Hơn 2 năm qua, TVTPCT đã tổ chức gần 100 chương trình tại các trường tiểu học, phục vụ gần 83.500 lượt học sinh, giáo viên.
 
Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Đỏ 2 là điển hình tham gia tích cực chương trình "Cùng em đọc sách". Thầy Trần Ngọc Tường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Học sinh hào hứng với nhiều hoạt động đọc sách ý nghĩa, vì có đến 3.000 đầu sách với nội dung và hình thức hấp dẫn, bổ ích. Chương trình đã tạo cho nhà trường ngày hội đọc sách thật sự, được phụ huynh đồng tình ủng hộ, cán bộ và giáo viên cũng hỗ trợ học sinh tham gia rất sôi nổi.
 
Những năm qua, các trường tiểu học ở quận Bình Thủy cũng rất nhiệt tình với chương trình "Cùng em đọc sách". Đặc biệt, với sự xuất hiện của những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, các em học sinh như được tiếp thêm tình yêu với sách. Em Lê Minh Quân, học sinh Trường Tiểu học Bình Thủy, hào hứng: "Chiếc xe này rất thú vị, con được đọc sách, xem phim, tìm sách trên máy vi tính... và còn được chơi trò chơi cùng các bạn rất vui".
 
Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc TVTPCT, cho biết: TVTPCT đã phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. Bên cạnh phòng đọc sách ngay tại thư viện, đơn vị còn phối hợp với Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) thí điểm hoạt động "Tiết học thư viện" để các em có dịp khám phá vai trò của thư viện, cách mượn/trả sách... TVTPCT còn luân chuyển sách đến các trường học thông qua hình thức "Tủ sách lớp học". Qua triển khai tại 3 điểm trường tiểu học ở huyện Thới Lai là Trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai, Trường Tiểu học Tân Thạnh và Trường Tiểu học Trường Xuân 1, với 75 lớp, đã tạo hiệu ứng tích cực. Theo đó, định kỳ 2 lần/năm, sách sẽ được thay đổi cho từng lớp học với số lượng 100 quyển/lớp. Từ năm 2018 đến nay, ước tính có hơn 45.000 lượt sách được luân chuyển, phục vụ học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tham gia hoạt động trải nghiệm tại phòng đọc sách thiếu nhi của TVTPCT.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tham gia hoạt động trải nghiệm tại phòng đọc sách thiếu nhi của TVTPCT.
 
Bà Phan Thị Thùy Giang cũng thông tin thêm, việc phát triển đọc sách điện tử (Ebook) trong nhà trường cũng được TVTPCT quan tâm, nhằm thực hiện chủ trương "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số". Hơn 2 năm qua, đã có trên 10.100 giáo viên và học sinh của 55 trường học trên địa bàn thành phố được cấp miễn phí tài khoản điện tử đọc/mượn Ebook. "Học sinh và giáo viên rất thích thú, nhất là ở địa bàn xa trung tâm thành phố. Thầy cô và các em được sử dụng tài liệu một cách nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu dạy và học", bà Giang nhấn mạnh. Ngoài ra, việc tổ chức các buổi triển lãm sách trong trường học, quảng bá về TVTPCT... cũng là cách để học sinh tiếp cận với tài nguyên sách của thành phố.
 
Điều đáng mừng là hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố cũng đều có những cách làm, mô hình riêng nhằm phát triển văn hóa đọc. Trong đó, mô hình thư viện xanh được triển khai rộng khắp, tạo sức hút trong học sinh. Như ở Trường Tiểu học Trà Nóc 2 (quận Bình Thủy), ngoài thư viện chung, nhà trường còn thực hiện mô hình không gian thư viện xanh cộng đồng. Dưới tán cây mát rượi, bên mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các em mở những trang sách để khám phá chân trời tri thức. Cô Đỗ Thị Ngọc Quý, giáo viên Trường Tiểu học Trà Nóc 2, chia sẻ: "Mô hình thư viện xanh còn lan tỏa đến các phụ huynh học sinh. Trong thời gian đón con, phụ huynh có thể ngồi đọc sách, vừa tiếp cận tri thức, vừa tránh tập trung trước cổng trường gây ồn ào, ùn tắc giao thông. Từ đó, văn hóa an toàn trước cổng trường được đảm bảo".
 
Sách mở ra "chân trời tri thức" và các em học sinh trên địa bàn TP Cần Thơ được tận hưởng kiến thức quý báu ấy thông qua những mô hình thiết thực và hiệu quả.
 
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu