Việc làm này không những góp phần lưu giữ nguồn gien quý mà còn mở ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tại các xã Tà Rụt, A Bung, A Ngo, Tà Long, A Vao của huyện Đakrông, cây chuối lùn bản địa được người đồng bào dân tộc Pa Cô trồng từ lâu đời. Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu, cây trồng bản địa này gần như bị suy thoái về giống. Bởi năng suất và thu nhập từ loại cây trồng này không đáng kể nên có thời gian nhiều người dân bỏ mặc, không mặn mà.
Xã Tà Rụt từng là "thủ phủ" của cây chuối lùn bản địa với hàng chục hecta được người dân trồng trên nương rẫy, trong vườn nhà. Loại chuối lùn này khi chín rất thơm ngon, quả lại to tròn và có vị đặc trưng riêng nên nhiều người ưa chuộng. Song, vì nhiều lý do, diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp, canh tác manh mún.
Với mong muốn khôi phục loài cây bản địa này, năm 2019 tổ hợp tác trồng chuối lùn của Hội LHPN xã Tà Rụt được thành lập với 15 hộ dân tham gia. Đến nay, tổ hợp tác này đã khôi phục, phát triển 10 ha chuối lùn theo hướng thâm canh. Bước đầu cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập đáng kể nên người dân rất phấn khởi. Theo kế hoạch, tổ hợp tác này sẽ phát triển diện tích chuối lùn lên 40 ha vào năm 2025; đưa cây trồng này trở thành loại cây sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Cây chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang từng ngày được khôi phục, phát triển
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, cho biết cây chuối lùn bản địa rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu địa phương. Hiện trên địa bàn xã, người dân đã khôi phục khoảng 20 ha chuối lùn tại các thôn A Đăng, Vực Leng, A Liêng. Chuối lùn đến kỳ thu hoạch cân nặng trung bình từ 20 - 30 kg/buồng, thương lái thu mua với giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
"Chỉ sau một năm trồng và chăm sóc, cây sẽ cho thu hoạch. Mỗi gốc cho thời gian thu hoạch từ 3-5 năm với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 - 80 triệu đồng/ha. Khi cây cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương" - ông Nhiếp phấn khởi.
Theo ông Trần Đình Bắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông, đến nay, toàn huyện Đakrông có trên 50 ha chuối lùn bản địa. Đây là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp đang được huyện Đakrông đăng ký danh mục ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
"Thời gian tới, huyện Đakrông sẽ tiếp tục xây dựng phương án khôi phục, bảo tồn nguồn giống chuối lùn bản địa bằng cách nuôi cấy mô và cấp cho người dân. Chúng tôi sẽ mở các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm" - ông Bắc khẳng định.