Thứ hai, 02/11/2020,07:40 (GMT+7)
Không còn nỗi sợ bệnh phong
Người bệnh phong không còn bị kỳ thị và đã được chung sống bình thường trong cộng đồng. Công tác phòng chống phong của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao
Ngày 29-10, tại Sơn La, Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống phong 5 năm giai đoạn 2016-2020.
 
Tỉ lệ người mắc bệnh phong giảm mạnh
 
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đánh giá cao công tác phòng chống phong của 63 tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện tốt kế hoạch triển khai loại trừ bệnh phong tại tuyến huyện (theo Thông tư 17/2013/TT-BYT ngày 6-6-2013 của Bộ Y tế), chỉ đạo từ chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong đến phục hồi chức năng về thân thể, kinh tế, giáo dục cho bệnh nhân phong và thực hiện rộng khắp các công tác tuyên truyền loại trừ các định kiến xã hội, giảm kỳ thị về bệnh phong và duy trì mạng lưới thành quả của chương trình để tiến đến mục tiêu cuối cùng là "chấm dứt hoàn toàn bệnh phong ở Việt Nam".
 
Dự án phòng chống bệnh phong của Việt Nam đã hợp tác với Hội chống phong Thụy Sĩ và Tổ chức Y tế thế giới để cùng chung tay đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân phong.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, khó cứu chữa, nhưng sau này có thuốc đơn hóa trị liệu, đa hóa trị liệu... nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. "Hiện nay tất cả bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định, điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng" - PGS Thường nhấn mạnh.
Không còn nỗi sợ bệnh phong - Ảnh 1.
Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm hỏi, động viên bệnh nhân phong tại tỉnh Thái Bình
 
Đánh giá kết quả của hoạt động phòng chống phong trong những năm qua, các chuyên gia nhấn mạnh, hoạt động phòng chống phong của Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới, tỉ lệ lưu hành và tỉ lệ phát hiện bệnh phong ở cộng đồng đều giảm (từ năm 2016-2020, tỉ lệ lưu hành bệnh phong trên toàn quốc giảm từ 0,02/10.000 dân xuống còn 0,01/10.000 dân; tỉ lệ phát hiện giảm còn 0,2/100.000 dân).
 
Các hình thức khám phát hiện bệnh phong vẫn được triển khai tại các tỉnh như khám tiếp xúc, khám cụm dân cư, khám thông qua hình ảnh, khám lồng ghép vào các chuyên khoa khác, người bệnh tự đến cơ sở y tế… người mắc bệnh phong được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tư vấn tự chăm sóc tàn tật, được hỗ trợ kinh tế, nghề nghiệp... Các thuốc điều trị bệnh phong vẫn được bảo đảm cung cấp miễn phí, kịp thời và đầy đủ. Công tác phòng chống tàn tật cho người bệnh phong vẫn được tiến hành dưới nhiều hình thức: phát hiện điều trị tốt cơn phản ứng phong, tư vấn tự chăm sóc tàn tật, cấp các dụng cụ trợ giúp: giày, chân giả... điều trị loét ổ gà, phẫu thuật, phục hồi chức năng cho người bệnh phong bị tàn tật… Việc tuyên truyền, các loại hình truyền thông về bệnh và chống kỳ thị bệnh phong được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức giúp người dân nhận thức đúng về bệnh phong, giảm trừ các định kiến xã hội.
 
Gia tăng bệnh nhân đa kháng thuốc
 
Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong công cuộc phòng chống bệnh phong hiện nay ở dự án phòng chống phong nói chung, các đơn vị da liễu tuyến tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh nói riêng đó là mạng lưới tổ chức chưa thống nhất; các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cán bộ y tế thiếu, kiêm nhiệm, thuyên chuyển công tác. Ở nhiều tỉnh tuy đã được kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong nhưng vẫn xuất hiện bệnh nhân mới; nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống phong bị giảm, thành kiến bệnh phong vẫn còn trong cộng đồng, tỉ lệ tàn tật độ 2 ở bệnh nhân phong mới phát hiện có xu hướng gia tăng.
 
"Bệnh phong hiện tại vẫn còn tuy số ca có giảm nhưng xu hướng đa kháng thuốc tăng lên, nếu chương trình chống phong dừng lại thì rất khó duy trì được mạng lưới chống phong. Không những thế, các thuốc chống phong từ trước đến nay đều được WHO cấp miễn phí hoàn toàn cũng sẽ phải dừng lại và sợ rằng, bệnh nhân phong đa kháng thuốc lây lan ra cộng đồng khiến việc điều trị rất khó khăn, những người dị hình tàn tật không có nơi nương tựa và không được chăm sóc... Đây thực sự là vấn đề lớn của nước ta và thế giới" - PGS Thường chia sẻ.
 
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp để hoàn thiện mục tiêu cuối cùng đó là chấm dứt hoàn toàn bệnh phong: duy trì và kiện toàn mạng lưới từ trung ương đến địa phương; tăng cường năng lực quản lý chương trình của cán bộ chống phong tuyến tỉnh/thành, tiếp tục đề nghị là Chương trình mục tiêu y tế để duy trì kết quả bền vững, duy trì mạng lưới chống phong, đa dạng hóa công tác truyền thông, chống kỳ thị, tránh được nguy cơ bệnh phong quay trở lại.
 
Bài và ảnh: Minh Khuê - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu