Thứ hai, 18/05/2020,07:38 (GMT+7)
Không dùng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa
Chính phủ đề nghị UBTVQH cho Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa “chuẩn”, làm bằng ngân sách nhà nước nữa. Khoản kinh phí 16 triệu USD (vay của WB và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến để biên soạn sách nhưng không sử dụng, hiện vẫn trong tài khoản của WB...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: QUOCHOI
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: QUOCHOI
 
Chiều 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
 
Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, đồng thời giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về nhiệm vụ biên soạn một bộ sách “chuẩn” theo chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm 137 đầu sách), do sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên việc tuyển chọn tác giả sách giáo khoa phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Bộ đã đốc thúc triển khai việc đấu thầu ngay sau khi ban hành chương trình (cuối năm 2018) để tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên cho đến nay vẫn không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả.
 
“Qua tìm hiểu, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản và đã hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ GD-ĐT để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình.
 
Tuy nhiên, các nhà xuất bản đã nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để thẩm định trong năm 2020, đồng thời tiếp tục tổ chức bản thảo và hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo. Như vậy, Bộ GD-ĐT vẫn đảm bảo có đủ sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Từ một khía cạnh khác, việc không có một bộ sách “chuẩn” do Bộ trực tiếp biên soạn, theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, lại là một thuận lợi cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản.
 
Để đảm bảo tính chủ động, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho Bộ không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa “chuẩn”, làm bằng ngân sách nhà nước nữa. Khoản kinh phí 16 triệu USD (vay của WB và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến để biên soạn sách nhưng không sử dụng, hiện vẫn trong tài khoản của WB, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng đúng quy định của pháp luật.
 
Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội và một số ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với đề xuất của Quốc hội, song nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát không để giá sách quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
 
ANH PHƯƠNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu