Các nguồn thạo tin cho hay Văn phòng thu mua và bảo dưỡng của Lầu Năm Góc, đơn vị mua vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ, đang đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các đồng minh châu Âu với hy vọng chuyển vũ khí cho Ukraine thông qua chuyển giao cho bên thứ 3 hoặc mua vũ khí để tăng cường khả năng phòng thủ.
Nhóm phản ứng nhanh này đã được khôi phục trong những ngày gần đây để điều phối và rút ngắn thủ tục hành chính về việc bán và chuyển vũ khí, đồng thời ưu tiên các "đơn hàng" từ đồng minh.
Lầu Năm Góc đang khôi phục đội đặc nhiệm phụ trách đáp ứng nhu cầu mua bán vũ khí mới ngày càng tăng cho các đồng minh của Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo một email mà hãng tin Reuters thu thập được, Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) gần đây đã yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng cung cấp các thiết bị có thể được sử dụng để vô hiệu hóa hoặc bắn hạ máy bay không người lái còn trong kho hoặc có thể sẵn sàng giao hàng trong vòng 120 ngày.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các chuỗi cung ứng vẫn đang chịu tác động vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên không thể chắc chắn về khả năng đáp ứng nhu cầu mua vũ khí của các nước ngay lập tức. Các quốc gia ở châu Âu và trên toàn cầu đang cân nhắc tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường an ninh, trong đó Đức nhiều khả năng sẽ chi mạnh tay.
Khi cuộc chiến giữa Ukraine và Nga kéo dài, rõ ràng Ukraine đã có khả năng chống lại các lực lượng Nga tốt hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người. Nhưng để tiếp tục như vậy, Ukraine sẽ cần thêm sự trợ giúp của phương Tây.
Theo đài CNBC, các chuyên gia quốc phòng và chiến lược gia cho rằng sự ủng hộ này có thể giúp tăng cường khả năng phản kháng của Ukraine hoặc thậm chí tạo ra kết quả theo hướng có lợi cho nước này.
Ông Wojciech Lorenz, nhà phân tích cấp cao tại Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, nhận định sự hỗ trợ bổ sung từ các thành viên NATO dưới dạng vận chuyển vũ khí, thông tin tình báo và các hình thức viện trợ khác thực sự tạo ra sự khác biệt và là lý do tại sao Nga đã thể hiện chưa tốt trong thời gian qua.
Trong khi nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới dự báo Nga sắp đối mặt khủng hoảng nợ nước ngoài thì ở trong nước, nhiều thương hiệu nước ngoài đã rút khỏi Nga hoặc ngừng hoạt động ở đó và người tiêu dùng Nga đang cảm nhận được tác động khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất đến 20% để giữ giá đồng rúp đang suy giảm.