Thứ hai, 26/10/2020,08:04 (GMT+7)
Kích cầu du lịch TP HCM kịp cuối năm
Nhiều sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm TP HCM được làm mới nhằm thu hút người dân đi du lịch, lưu trú dài ngày hơn
Chiều 23-10, Sở Du lịch TP HCM và Hiệp hội Du lịch TP tổ chức hội nghị triển khai Chương trình kích cầu du lịch TP HCM.
 
Thu hút 15 triệu lượt khách nội địa
 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, chương trình kích cầu du lịch nội địa TP những tháng cuối năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch TP và các địa phương sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình cũng nhằm kích cầu người dân TP, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, học sinh - sinh viên đi du lịch tại chỗ và tới những điểm đến lân cận TP dịp cuối năm.
Kích cầu du lịch TP HCM kịp cuối năm - Ảnh 1.
Lễ hội Áo dài đang diễn ra góp phần quảng bá hình ảnh du lịch TP HCM .Ảnh: LAM GIANG
 
Việc phát động chương trình kích cầu lần này được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả khi xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020 sẽ thu hút khoảng 15 triệu khách nội địa đến TP HCM, doanh thu của du lịch nội địa khoảng 80.000 tỉ đồng.
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, ngành du lịch TP cần thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch theo 5 nhóm sản phẩm để khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng, thu hút du khách. Cụ thể là dòng sản phẩm du lịch văn hóa và lịch sử; du lịch ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch giải trí và hoạt động về đêm; du lịch y tế; du lịch kết hợp hội nghị (MICE) và du lịch kết hợp giao thương.
 
Hiện có khoảng 60% DN lữ hành trên địa bàn TP đã quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngưng vì dịch bệnh. Hầu hết DN lữ hành cũng chuẩn bị sản phẩm, chiến lược phục vụ mùa du lịch cuối năm và trong năm tới.
 
Chương trình kích cầu nội địa TP sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch tại chỗ với giá cả hợp lý, ưu đãi và nhiều dịch vụ hấp dẫn gồm nhóm sản phẩm làm mới những điểm đến đặc trưng của TP như: tour Biệt động Sài Gòn, tour theo dòng Sài Gòn - du ngoạn bằng buýt đường sông, tour dạo sông Sài Gòn ngắm hoàng hôn, tour thuyền chèo trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thưởng thức giai điệu kèn harmonica và giao lưu đờn ca tài tử, thả hoa đăng cầu nguyện trong chuyến du ngoạn...
 
Các sản phẩm tour khám phá, trải nghiệm TP được xây dựng theo chương trình 1 ngày, 2 ngày hoặc 3 ngày có liên kết với một số điểm đến lân cận. Để kích cầu du lịch, có 30 khách sạn từ 3-5 sao giảm giá từ 20%-30%, một số khách sạn giảm tới 60% hoặc kết hợp tặng sản phẩm dịch vụ kèm theo như dịch vụ đưa đón sân bay, spa, giặt ủi miễn phí… Khoảng 10 trung tâm hội nghị, tiệc cưới sẽ giảm giá tới 20% và ưu đãi đi kèm; hơn 30 nhà hàng, khách sạn (3-5 sao) triển khai gói kích cầu hấp dẫn và đa dạng sản phẩm giảm giá từ 20%-30%... "Ngoài 300 sản phẩm đã triển khai tại chương trình kích cầu lần 1 vào tháng 6, sẽ có thêm 200 sản phẩm kích cầu làm phong phú, đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách khác nhau. Điểm nhấn là du lịch tại chỗ với hơn 30 tour tuyến 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày khám phá TP và hàng trăm tour tuyến kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Tập trung vào tour ngắn ngày
 
Một trong những điểm nhấn và nổi bật của đợt kích cầu lần này là ngành du lịch TP xây dựng thêm sản phẩm hoặc làm mới các tour tuyến hiện có để tăng độ dài lưu trú, kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách nhiều hơn. Nếu đợt kích cầu lần 1 có khoảng 21 tour khám phá TP thì đợt này đã tăng lên 30 tour, trong đó nhiều tour được xây dựng từ 1-2-3 ngày...
 
Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP về thời gian khách lưu trú trên địa bàn gần đây cũng cho thấy khách ở thời gian từ 2-3 ngày, thay vì chỉ đi về trong ngày hoặc qua đêm 1 ngày như trước. Để bảo đảm an toàn trong giai đoạn dịch bệnh, khách có nhu cầu đi gần hơn, an toàn hơn nên việc liên kết các điểm đến, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP sẽ đáp ứng nhu cầu này.
 
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP, góp ý để triển khai chương trình thành công cần tuân thủ việc xây dựng tiêu chí an toàn, sự cam kết của DN du lịch, điểm đến; bảo đảm chất lượng dịch vụ và giá cả; tuân thủ quy trình an toàn phòng chống dịch.
 
Để bảo đảm an toàn cho du khách, Sở Du lịch TP, Sở Văn hóa - Thể thao và Hiệp hội Du lịch các tỉnh miền Đông Nam Bộ (TP HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh) đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong tình hình mới và ký cam kết xây dựng liên minh du lịch an toàn. Theo đó, các hiệp hội du lịch và DN đã cam kết thực hiện nghiêm túc tiêu chí an toàn phòng dịch theo quy chuẩn và hướng dẫn của Bộ Y tế trong quá trình tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ du khách…
 
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP, có 3 tiêu chí trong đợt kích cầu du lịch TP lần này gồm an toàn phòng chống dịch Covid-19, sản phẩm du lịch hấp dẫn và giá cả cạnh tranh. Trong đó, an toàn phòng chống dịch không chỉ dừng lại ở việc triển khai Bộ Tiêu chí an toàn phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế mà hàng trăm DN du lịch đã triển khai cam kết bộ tiêu chí. Những cam kết của DN sẽ được tập hợp để đưa lên website của Sở Du lịch TP, đồng thời là cơ sở để triển khai xây dựng bản đồ số du lịch an toàn; dữ liệu để đưa vào ứng dụng (app) du lịch an toàn mà Tổng cục Du lịch đang triển khai.
 
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá việc TP triển khai chương trình quảng bá hình ảnh qua chiến dịch "TP HCM xin chào - Hello Ho Chi Minh City", liên kết vùng giữa TP với các địa phương trong cả nước... từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phát huy vai trò của TP vừa là điểm đến vừa là thị trường nguồn khách quan trọng của cả nước. "Sự hồi phục của du lịch TP HCM sẽ có tác dụng lan tỏa, kích thích du lịch của các địa phương lân cận cũng như những liên minh kích cầu du lịch đã hình thành thời gian qua. TP cần khẳng định vị thế là trung tâm phân phối khách, tạo các chuỗi sản phẩm đặc sắc trong quá trình hồi phục của ngành du lịch Việt Nam" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
 
Còn quá sớm để đón du khách quốc tế
 
Trả lời câu hỏi về đề xuất mở cửa lại thị trường khách quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thời điểm này vẫn còn quá sớm để bàn việc mở cửa lại thị trường quốc tế. Hiện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch vẫn đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, có nghiên cứu và trên cơ sở đó đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ khi điều kiện chín muồi về mở cửa với khách quốc tế. "Còn trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi" - ông Khánh nói.
 
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu