Để tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào công chức trên cả nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, thực hiện từ ngày 1-8-2024.
Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng
Những quy định mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được đánh giá sẽ tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian trong quy trình tuyển dụng, giúp các cơ quan tuyển được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm.
Nghị định 06/2023 quy định thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị không phải thực hiện thi công chức 2 vòng như hiện nay. Sau khi chọn được ứng viên qua vòng kiểm định, chỉ tổ chức thi một vòng nghiệp vụ chuyên ngành để lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ.
Bộ Nội vụ - cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định - cho biết việc thống nhất kiểm định tập trung trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Với giá trị được sử dụng trong cả nước, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương; tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.
Bộ Nội vụ cho biết việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh cũng như sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng tuyển dụng sát với vị trí việc làm. Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng việc kiểm định đầu vào công chức phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trên thực tế, công tác tuyển dụng công chức thời gian qua ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; vẫn còn hiện tượng tuyển dụng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và xảy ra tiêu cực.
"Do đó, việc kiểm định chất lượng đầu vào có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới mô hình tuyển dụng công chức hiện nay. Việc thống nhất kiểm định công chức sẽ tạo mặt bằng đánh giá chung" - ông Phúc nhìn nhận.
Nhấn mạnh việc kiểm định đầu vào công chức là cần thiết, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng mỗi kỳ kiểm định sẽ đánh giá chất lượng, kiến thức nền tảng của các thí sinh. Thí sinh sẽ dùng kết quả kiểm định để tham gia thi vòng 2 tại các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức.
Khai mạc một kỳ thi tuyển dụng công chức của Bộ Y tế năm 2022. Ảnh: BỘ Y TẾ
Bảo đảm công khai, minh bạch
Điểm nổi bật của việc kiểm định đầu vào công chức là đổi mới về nội dung kiểm định, theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh. Cụ thể, nội dung kiểm định sẽ là các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức.
Việc tổ chức kiểm định được thực hiện trên máy vi tính. Kết quả được thông báo cho thí sinh ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài kiểm định và không thực hiện việc phúc khảo.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) đánh giá cao việc thành lập hội đồng kiểm định riêng về chất lượng đầu vào công chức. Với sự tách bạch và độc lập với các cơ quan nhà nước có nhu cầu tuyển dụng, hội đồng kiểm định sẽ tăng sự khách quan, minh bạch trong công tác thi tuyển.
Nếu như trước đây, các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng tổ chức 2 vòng thi thì sắp tới, vòng thứ nhất sẽ do Bộ Nội vụ "kiểm định đầu vào". Theo ông Khải, hình thức thi tuyển này góp phần hạn chế các tiêu cực và tình trạng "cài cắm", gửi gắm người thân quen.
ĐBQH Trần Văn Khải cũng nhấn mạnh cần áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ kiểm định như Nghị định 06/2023 nhằm tránh sự can thiệp của con người vào quy trình thi, chấm điểm, công bố kết quả.
Bên cạnh vấn đề tổ chức bảo đảm công khai, minh bạch, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý các kỳ kiểm định cần đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký tham dự, hạn chế phát sinh chi phí. "Kỳ kiểm định phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển dụng, không phải thêm một kỳ "sát hạch" để gây khó khăn, phiền hà cho những người có mong muốn thi tuyển vào công chức" - ông nhấn mạnh.
Để chuẩn bị triển khai kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đại diện Bộ Nội vụ cho biết cơ quan này sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn quy chế, nội quy tổ chức kiểm định, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một ngân hàng câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn theo đúng tinh thần Nghị định 06/2023. Đặc biệt, Bộ Nội vụ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm phục vụ công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Không đưa "người nhà" vào hội đồng kiểm định
Theo Nghị định 06/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, với 7 hoặc 9 thành viên. Không bố trí những trường hợp sau làm thành viên hội đồng kiểm định và thành viên các bộ phận giúp việc của hội đồng kiểm định: người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người đăng ký kiểm định; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức phát hiện người được tuyển dụng sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định thì đề nghị có văn bản gửi Bộ Nội vụ để hủy bỏ kết quả kiểm định.