Thứ năm, 04/06/2020,09:08 (GMT+7)
Kiên Giang tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử
Kiên Giang tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử; Phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020; Phát động chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19
 
Kiên Giang tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử
 
Ngày 1/6, Sở Du lịch Kiên Giang đã có văn bản số 255/SDL-QLDL về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ tử.
 
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi công công trình cải thiện môi trường Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử, Sở thống nhất tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tham quan du lịch theo đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương. Thời gian tạm ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
 
Kiên Giang tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử - Ảnh 1.
Hòn Phụ Tử tại Kiên Giang - Ảnh: Vntrip
 
Trước đó, Sở Du lịch Kiên Giang nhận được Công văn số 325/UBND _VHTT ngày 28/5/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động đón khách tại Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử.
 
Được biết, Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử thuộc địa phận xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thị xã Hà Tiên 38km và cách thành phố Rạch Giá khoảng 70km. Chùa Hang hay còn gọi là chùa Hải Sơn là một ngôi "Phật động" nổi tiếng, nằm dưới chân núi An Hải Sơn, sâu 40m trong hang đá tự nhiên, cửa chính của chùa quay mặt vào đất liền, cửa sau thông ra biển. Trước sân Chùa Hang có đặt một tượng Phật Di Lặc nặng 22 tấn bằng đá Non Nước, được đưa về từ Đà Nẵng.
 
Hòn Phụ Tử là một đảo đá nhỏ nằm cách đất liền khoảng 110m, bao gồm hai khối đá dính liền nhau trên nền bệ đá cao 5m so với mực nước biển. Hai trụ đá nằm giữa biển, hơi nghiêng về phía đông tượng trưng cho tình cha con yêu thương, quấn quýt bên nhau. Trong đó, hòn Phụ cao khoảng 33.6m, hòn Tử cao khoảng 30m. Với phong cảnh non nước nên thơ, nơi đây được ví như Vịnh Hạ Long tại Kiên Giang.
 
Phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020
 
Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường thủy phù hợp với tình hình thực tế Thành phố khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, sau giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố năm 2020.
 
Theo đó, trong thời gian từ quý II đến quý IV năm 2020, Thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy mới, bao gồm: tuyến Bạch Đằng – Quận 9; tuyến Bạch Đằng – Bình Quới và tuyến Bạch Đằng – Quận 7.
 
Cụ thể, chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng – Quận 9 sẽ tập trung nâng cấp các bến tàu hiện hữu dọc trên tuyến, đầu tư mới các bến tàu tại Quận 9 để xây dựng điểm đến hoàn chỉnh, đầu tư mới các phương tiện thủy trên tuyến này. Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung đầu tư hệ thống xe điện phục vụ du khách từ các bến tàu đến các điểm như nhà vườn, Bảo tàng Áo dài, Nhà thờ tổ nghề Nghệ thuật… Đồng thời tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm tại các Nhà vườn trên Cù lao Long Phước như: Tát mương bắt cá, Một ngày làm nông dân, Cooking Class…
 
Chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng – Bình Quới tập trung vào việc đầu tư mới các phương tiện thủy như du thuyền với sức chứa 400 – 600 chỗ, ca nô phục vụ riêng cho việc trung chuyển khách đến du thuyền từ các bến tàu vệ tinh, nâng cấp cầu cảng, bến tàu, quy hoạch các bến bãi đỗ xe phục vụ du khách. Đặc biệt, nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc và các hoạt động vui chơi giải trí trên thuyền cũng được đầu tư, với các chương trình biểu diễn ánh sáng, đèn laser từ các tòa nhà cao tầng hiệu ứng xuống mặt nước, biểu diễn nhạc nước trên sông Sài Gòn…
 
Chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng – Quận 7 sẽ khai thác hết công năng của các bến tàu trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng; xây dựng bến Bạch Đằng thành bến trung tâm và Công viên Cảng Bạch Đằng. Đồng thời, hoàn chỉnh và nâng cấp bến Crescent Mall thành một điểm đến để kết nối thuận tiện với các điểm tham quan trong khu vực Quận 7. Các phương tiện phục vụ tuyến du lịch này như xe điện, phương tiện thủy…cũng sẽ được đầu tư. Song song đó, sẽ triển khai các dự án cải tạo vệ sinh cảnh quan, môi trường nước trên các tuyến kênh, chỉnh trang cảnh quan dọc theo các dòng kênh trên tuyến. Tuyến du lịch này sẽ hấp dẫn du khách bởi các chương trình nghệ thuật và các hoạt động như chợ phiên, phố ẩm thực, phố mua sắm… tại các điểm đến.
 
Riêng tuyến Bạch Đằng – Quận 9 và tuyến Bạch Đằng – Quận 7 sẽ được xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thông minh thuyết minh tự động trên tuyến.
 
Sở Du lịch TP cũng sẽ chủ trì lập Đề án "Xây dựng các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2020 – 2030" nhằm đánh giá thực trạng các tuyến du lịch đường thủy, các sản phẩm hiện đang khai thác. Qua đó, có định hướng phát triển các tuyến du lịch đường thủy gắn với các sản phẩm du lịch đến năm 2030, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm của du dịch TP. Đồng thời, Đề án sẽ giúp khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng về tài nguyên du lịch đường thủy, bảo tồn và gìn giữ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc ven sông trên địa bàn TP.
 
Phát động chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19
 
Mới đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ phục hồi và kích cầu du lịch của vùng sau dịch COVID-19. Đây là hoạt động nhằm triển khai chiến dịch "Du lịch Việt Nam an toàn", đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch ĐBSCL là điểm đến an toàn, công bố chương trình kích cầu du lịch vùng, khôi phục du lịch nội địa, tiến tới khôi phục du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép.
 
Theo thống kê, kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2020 của vùng ĐBSCL so cùng kỳ 2019 giảm 41,6% tổng số khách đến, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% (nguồn khách chủ yếu tập trung vào tháng 1 và 2 năm 2020). Từ thực tế này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là chương trình kích cầu du lịch và tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến về điểm đến an toàn.
 
Chương trình kích cầu du lịch được triển khai toàn vùng ĐBSCL, bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm 2020 và chuẩn bị cho quý I năm 2021. Tập trung vận động và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình; tăng cường liên kết địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức. Trong đó, xác định ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang- Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Xây dựng các chính sách giảm giá phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn, ưu tiên du lịch nội địa; đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp để hạ giá thành, mức giảm dịch vụ khuyến khích từ 20% trở lên và nâng cao chất lượng, hình thành các tour tuyến thu hút du khách. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã vận động được khoảng 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch giảm giá bình quân từ 10-50%, trong đó có nơi giảm 100% vé tham quan.
 
Để chuẩn bị cho công tác kích cầu hiệu quả, TP Cần Thơ cũng thông tin sẽ tổ chức Ngày hội Du lịch vào ngày 16-6 tới tại Cần Thơ, nhằm kết nối với các đơn vị lữ hành, hoạt động du lịch tại TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.
 
Thủy Bích - (toquoc.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu