Thứ hai, 09/09/2019,13:44 (GMT+7)
Kiên quyết xử lý lạm thu
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương phải xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí

Buổi họp phụ huynh ngày 8-9, chị Lê Thanh Hương - phụ huynh có con đang học lớp 10 một trường THPT đóng tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - cho hay phải đóng 2,5 triệu đồng đầu năm học.

Xử lý nghiêm lãnh đạo nếu có lạm thu

"Số tiền cũng tương đối nhiều nên không ít phụ huynh yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh giải thích từng khoản trong số thu đó" - chị Hương cho biết. Theo chị Hương, có thể e ngại phụ huynh chụp ảnh đưa lên mạng xã hội nên ban phụ huynh chỉ thông báo miệng các khoản thu của lớp. Anh Nguyễn Quân - một phụ huynh có con đang học tại một trường đóng tại quận Cầu Giấy - cho hay từ giữa tháng 8, trường con anh theo học đã thông báo các khoản thu đầu năm của trường lên đến hơn 4 triệu đồng.

Kiên quyết xử lý lạm thu - Ảnh 1.

Học sinh TP HCM trong lễ khai giảng năm học mới Ảnh: TẤN THẠNH

Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quán triệt hạn chế tối đa tình trạng lạm thu đầu năm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT. Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục bảo đảm các điều kiện chất lượng và thu chi tài chính, thực hiện các khoản thu theo đúng quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí.

Thứ trưởng Lê Hải An cũng đề nghị căn cứ vào trần học phí, các địa phương khi điều chỉnh học phí cần tính toán và có phương án về thời điểm điều chỉnh thu học phí cho phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và dân sinh, không cùng tăng học phí vào một thời điểm, nhất là đầu năm học mới.

Yêu cầu trả lại các khoản thu sai

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ngay từ đầu năm học 2019-2020, Hà Nội đã tập trung quản lý tốt vấn đề thu chi. Năm nay sở sẽ không đi kiểm tra theo các đoàn như mọi năm mà khi phát hiện trường nào để xảy ra lạm thu thì sẽ xử lý nghiêm. Cũng theo ông Quang, tất cả nội dung thông tin về thu chi của nhà trường cần công khai, minh bạch. "Với những trường để xảy ra lạm thu, nhằm bảo đảm quyền lợi của cha mẹ học sinh, trước hết Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ yêu cầu trường phải trả lại cho học sinh những khoản thu sai. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định và không loại trừ trường hợp sai phạm nào" - ông Quang khẳng định.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, có tới 7 khoản tiền mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội. Đó là: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm được thực hiện trên nguyên tắc công khai, dân chủ… Ban đại diện cha mẹ học sinh sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Không thu gộp nhiều khoản

Sở GD-ĐT TPHCM cũng chỉ đạo tất cả các khoản thu phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện, khi thu phải cung cấp hóa đơn cho từng học sinh. Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TP HCM, các trường phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm.

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu