Thứ hai, 01/06/2020,13:55 (GMT+7)
Kinh nghiệm từ tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở tại Vĩnh Long
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải thực hiện theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển.
 
Kinh nghiem tu to chuc dai hoi dang cap co so tai Vinh Long hinh anh 1
Một đại hội đảng cấp cơ sở ở Vĩnh Long. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long)
 
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long hiện có 463 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 217 đảng bộ và 246 chi bộ. Ban Thường vụ cấp ủy huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chọn 17 tổ chức cơ sở đảng gồm 3 chi bộ và 14 đảng bộ tổ chức đại hội điểm chỉ đạo toàn diện; 33 đảng bộ bầu trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Đến ngày 29/5, Vĩnh Long có 238/463 tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức đại hội và 25/33 tổ chức cơ sở đảng tổ chức đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy.
 
Qua quá trình các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đại hội cấp cơ sở, Vĩnh Long đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm thực tiễn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải thực hiện theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu.
 
Các văn kiện trình Đại hội phải bảo đảm chất lượng, riêng báo cáo chính trị phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện.
 
Cụ thể, báo cáo nhiệm kỳ phải căn cứ vào nghị quyết đại hội cấp mình để kiểm điểm, đánh giá, chỉ ra được những thành tựu, mô hình mới, cách làm hay; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm, nhất là việc thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội đảng bộ đã xác định trong nhiệm kỳ.
 
Việc xây dựng văn kiện cần bám sát hướng dẫn của cấp ủy cấp trên nhưng phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và khả năng thực hiện của địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp, có tính khả thi cao.
 
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung, tránh tình trạng quá chú trọng vào công tác bầu cử cấp ủy, xem nhẹ việc thảo luận văn kiện của cấp mình và đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp ủy cấp trên.
 
Các cấp ủy thực hiện tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến đầy đủ, đồng bộ vào các dự thảo văn kiện của Trung ương, của cấp trên trực tiếp và của cấp ủy mình. Trọng tâm góp ý vào những nội dung như: phương châm, chủ đề đại hội; những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới…
 
Đối với đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế cho biết đây là chủ trương mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội. Do đó, đại hội cần được chuẩn bị và tổ chức thực hiện chu đáo; các cấp ủy lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên.
 
Công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện đúng theo Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định, quy chế của Đảng. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, gắn với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí lãnh đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình chuẩn bị Đại hội và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
 
Ngoài ra, cấp ủy cấp trên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội; phân công cán bộ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy cơ sở, nhất là đối với những nơi có khó khăn, nơi cán bộ lãnh đạo cấp ủy chưa có kinh nghiệm, nơi có vấn đề về nội bộ.
 
Sau đại hội phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền chuẩn y cấp ủy khóa mới; xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên. Đồng thời, tổ chức triển khai, quán triệt văn kiện và kết quả đại hội; xây dựng chương trình hành động, chương trình làm việc toàn khóa của ban chấp hành để cụ thể hóa nghị quyết và tổ chức thực hiện.
 
Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long xác định thời gian hoàn thành đại hội cấp cơ sở vào cuối tháng 6/2020; cấp huyện hoàn thành cuối tháng 8/2020.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn Đảng bộ huyện Long Hồ tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở để rút kinh nghiệm và chọn Đảng bộ huyện Mang Thít tổ chức thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy cấp huyện./.
 
Phạm Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+) 
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu