Thứ ba, 12/11/2019,07:24 (GMT+7)
Kinh tế ban đêm - “cửa sáng” cho ngành du lịch
Kinh tế ban đêm - Night time economy (NTE) là sự kéo dài của một số ngành kinh doanh đặc thù, nhất là dịch vụ thương mại và du lịch. Nói cách khác, đây là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm…

Kinh tế ban đêm - “cửa sáng” cho ngành du lịch

Tấp nập chợ đêm Hà Nội. Ảnh: Zing.vn

Kinh tế ban đêm ở riêng Sydney (Australia) mỗi năm tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỷ USD và mang lại 102 tỷ USD cho cả nước Australia.

Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma, Vénice, Geneva, Zurich… Chính phủ các nước thành viên EU phân quyền và khuyến khích chính quyền các thành phố thực hiện các chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình (London có Dự án “Sa hoàng đêm – London’s night Czar”; Amsterdam có Dự án "Thị trưởng đêm – The Night Mayor’).

Anh quốc có hẳn một ngành công nghiệp ban đêm (NTIA - Night Time Industrie Association) tạo giá trị khoảng 6% GDP nước Anh. Năm 2016, thị trưởng London đã bổ nhiệm bà Amy Lame giữ chức vụ "Night Czar" (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới. Hiện thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, mang lại hơn 700.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố.

Tại New York, năm 2018, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại 12 tỷ USD và tạo ra 141.000 việc làm; các quán bar thu về 2 tỷ USD; còn các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.

NTE sẽ đạt quy mô 400 tỷ Yên (khoảng 3,7 tỷ USD) tại Nhật Bản vào năm 2020, góp phần vào mục tiêu đón 40 triệu du khách vào năm 2020 và 60 triệu năm 2030 so với 30 lượt triệu khách quốc tế năm 2018.

Tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018, ông John Lindquist, cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, so với 12,6 tỷ USD ở Indonesia; 18,4 tỷ USD ở Singapore và 52,5 tỷ USD ở Thái Lan. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình, du khách tại Bangkok chi tiêu mỗi ngày khoảng 173USD (so với chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam) do các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở đây…

Bắc Kinh (Trung Quốc ) đứng thứ 6/10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới và sẽ tiếp tục khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm. Thành phố cũng cho biết sẽ tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh hướng tới mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động 24/24. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh cũng bắt đầu kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng. Nhiều thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc... cũng lên kế hoạch tương tự để thúc đẩy "kinh tế ban đêm". Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy ngành công nghiệp ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h. Thành phố này cũng đề cử hơn 10 "CEO về đêm" – những người có kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm. Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng sáu khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí. Chính phủ Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện…

Khu phổ cổ Hà Nội luôn thu hút người dân và du khách về đêm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm.

Việt Nam có những thuận lợi để phát triển "kinh tế ban đêm", như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế; Việt Nam còn có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; Thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu. Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Ngoài việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh)…, thì kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước và có kết nối giao thông công cộng, hệ thống quy định pháp lý và mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn; các sản phẩm ngày dịch vụ càng đa dạng và tiện ích cao từ nhiều ngành ẩm thực, nghệ thuật và giải trí đạt các yêu cầu cao về chất lượng…

Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm,... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.

Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ trở thành vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

Với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại và du lịch của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế.

TS NGUYỄN MINH PHONG

nhandan.com.vn
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu