Thứ hai, 01/06/2020,07:39 (GMT+7)
Kỳ tích robot mổ não ở Việt Nam
Một số bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối của TP HCM đang tạo đột phá về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặt những nền móng vững chắc để xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á" theo định hướng của UBND TP
Ngày 28-5, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM vinh dự đón nhận 3 bằng xác lập kỷ lục châu Á mới do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao. Trong số này có 2 kỷ lục tập thể, gồm: BV đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive và BV đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ.
 
Tạo dấu ấn với y khoa thế giới
 
Kỷ lục cá nhân được trao cho BSCKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân dân 115, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại thần kinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông là chuyên gia được mệnh danh "Bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh", người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam, Phó Chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ).
 
Sự thành công của ca phẫu thuật u não bằng hệ thống robot là dấu ấn quan trọng trên bản đồ y khoa thế giới. BV Nhân dân 115 là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot vào phẫu thuật thần kinh, sọ não. Bệnh nhân được phẫu thuật là một phụ nữ 67 tuổi (quê ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), nhập viện với triệu chứng đau đầu, nói khó khăn, tay chân phải bị yếu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u não ở vùng trán đính (T), ảnh hưởng đến chức năng vận động. Khối u kích thước rất nhỏ, đơn độc. Các phẫu thuật thông thường là vén não tìm tổn thương nên sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh cho người bệnh. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật bằng robot để lấy khối u và tránh các tổn thương lên não.
 
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị, robot và GS Amin Kassam, ê-kíp phẫu thuật của BV gồm 3 bác sĩ: Chu Tấn Sĩ, Lưu Kính Khương (Trưởng Khoa Gây mê hồi sức) và Nguyễn Văn Tuấn (Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh) đã bóc tách lấy ra khối u từ trong não bộ của bệnh nhân mà gần như không gây tổn thương đến cấu trúc não kế cận. Đặc biệt hơn, ca mổ chỉ kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, sớm hơn dự kiến 2 giờ và nhanh hơn rất nhiều so với mổ bằng kính vi phẫu cổ điển, thường phải mất khoảng 4 giờ. Và chỉ sau 2 giờ được phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định... Sự thành công của ca phẫu thuật u não đầu tiên bằng robot này đã mở ra bước đi lịch sử cho bệnh viện nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung vì là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công ở châu Á.
 
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết trung bình quân mỗi năm Khoa Ngoại thần kinh thực hiện 2.400 ca mổ. Để phát triển kỹ thuật điều trị mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị theo xu hướng phát triển công nghệ, BV đã cử các chuyên gia hàng đầu học tập và tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống robot tại Mỹ, đặc biệt là tiếp nhận kỹ thuật sử dụng robot mổ tỉnh cho các ca phẫu thuật u não, xuất huyết não. Đến nay, BV đã phẫu thuật thành công 20 ca bằng hệ thống robot, trong đó có 4 ca xuất huyết não.
Kỳ tích robot mổ não ở Việt Nam - Ảnh 1.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ trong ca mổ não bằng kỹ thuật robot
 
Nền tảng cho y học TP HCM đột phá
 
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đây là một những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, góp phần đặt nền móng vững chắc để xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á" theo định hướng của UBND TP HCM. Công trình nói trên cũng được bình chọn là Giải thưởng Y tế thông minh của TP vừa qua.
 
Đánh giá tổng quan cho thấy phẫu thuật bằng hệ thống robot Modus V Synaptive rất an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ, người bệnh có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống, bảo tồn được các chức năng thần kinh quan trọng.
 
Thành công bước đầu này cho thấy quyết tâm đầu tư nguồn lực để triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong phẫu thuật ngoại thần kinh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive là hướng đi đúng theo định hướng tiếp cận công nghệ 4.0, mà đỉnh cao là sử dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
 
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Tổng Thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 - tại Việt Nam mỗi năm ước tính có hơn 200.000 ca đột quỵ mới với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế. Riêng tại BV Nhân dân 115, trung bình mỗi năm tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị đột quỵ khoảng trên 12.000 người. Số người đột quỵ não chiếm 85% trong số các loại đột quỵ.
 
Trước đây, các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn do thuốc tiêu sợi huyết trong 4-5 giờ, hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối thường quy trong 6 giờ. Với khả năng của robot, người bệnh bị đột quỵ do xuất huyết não vẫn còn hy vọng được cứu sống với chất lượng cuộc sống tốt nếu được can thiệp dẫn lưu và cầm máu kịp thời dưới sự trợ giúp và định vị chính xác của robot. 
 
Ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo
 
GS - Viện sĩ Hoàng Quang Thuận, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, cho rằng với 3 kỷ lục châu Á mà BV Nhân dân 115 vừa đạt được, ông mong rằng BV có những ứng dụng mới, sáng chế, nghiên cứu... trở thành nơi đào tạo cho các BV, đồng nghiệp nước nhà.
 
Còn TS-BS Phan Văn Báu nhận định: "Thành tựu này cũng chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có thể triển khai, tiếp thu, sử dụng kỹ thuật y tế mới thành công trong thời đại công nghệ 4.0. Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới ứng dụng công nghệ mổ u não bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Thành công này giúp BV khẳng định về chuyên môn, đồng thời cũng là động lực lớn để tiếp tục phát triển hơn nữa".
 
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu