Thứ hai, 11/12/2023,12:07 (GMT+7)
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival lúa gạo mang tầm quốc tế tại tỉnh Hậu Giang và được các doanh nghiệp và bà con nông dân ở ĐBSCL đặt nhiều kỳ vọng.
Ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói riêng, đã tạo dựng hình ảnh, dấu ấn rõ nét và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, Việt Nam đã trở thành một trong những "cường quốc" trong xuất khẩu lúa gạo trên thế giới, chất lượng lúa gạo và giá xuất khẩu ngày một nâng lên.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 1.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 2.
Giá lúa gạo của Việt Nam sẽ cao và ổn định, đó là kỳ vọng lớn nhất của nông dân thông qua Festival quốc lúa gạo lần này
 
Đây là thời điểm phù hợp tổ chức sự kiện "Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023".
 
Thông qua hoạt động này nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
 
"Từ đó, truyền thông của Việt Nam với thế giới rằng "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững" - ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho hay.
 
Sự kiện lớn, kỳ vọng lớn
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023 được Bộ NN-PTNN phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức từ ngày 11 đến 15-12. 
 
"Tôi trồng 10.000 chậu lúa để phục vụ cho "Con đường lúa gạo" tại festival. Đây là vinh dự của bản thân tôi khi góp phần đem hình ảnh cây lúa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Thông qua festival, tôi mong muốn hình ảnh lúa gạo Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới, thu hút được sự quan tâm. Từ đó, lúa gạo Việt Nam sẽ có được đầu ra ổn định, giá thành luôn ở mức cao để người nông dân ngày thêm phấn khởi" - ông Trần Văn Triệu (ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), vui mừng chia sẻ.
 
Theo kế hoạch của ban tổ chức, Festival quốc tế lúa gạo sẽ diễn ra 14 chuỗi sự kiện liên quan. Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ đứng ra tổ chức 4 buổi hội thảo về ngành hàng lúa gạo mang tầm quốc tế; đồng thời tổ chức trình diễn cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm.
 
Các hoạt động trên sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp yêu cầu của xu thế quốc tế.
 
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Lúa gạo Tân Long (Hậu Giang), mong muốn thông qua festival lần này sẽ phát huy tối đa lợi thế của Hậu Giang đó chính là đất đai màu mỡ để phát triển các ngành hàng nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 4.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 5.
Festival quốc tế lúa gạo lần này sẽ là dịp quảng bá hình ảnh lúa gạo Việt Nam đến với quốc tế
 
"Hy vọng festival lần này sẽ thành công tốt đẹp, người dân sẽ có được định hướng rõ ràng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Riêng đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều thị trường trên thế giới biết đến, đầu ra và giá cả ổn định để người nông dân yên tâm sản xuất" – ông Thích nói thêm.
 
Dấu ấn đặc biệt của lúa gạo Việt Nam
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, trong các chuỗi sự diễn ra tại festival thì điểm nhấn đặc biệt chính là "Con đường lúa gạo Việt Nam".
 
Khi đến với con đường này, khách tham quan sẽ chiêm ngưỡng các mô hình thể hiện quá trình phát triển trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp sơ khai đến nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 6.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 7.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 8.
 
Kỳ vọng lớn vào Festival quốc tế lúa gạo tại Hậu Giang- Ảnh 9.
Mô hình "Con đường lúa gạo Việt Nam" tại Hậu Giang
 
Mỗi mô hình thể hiện những gian nhà trưng bày các công cụ, dụng cụ sản xuất lúa, được thể hiện "trên bến, dưới thuyền" - những nét đặc trưng sông nước của người dân miền Tây Nam bộ qua các thời kỳ.
 
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết thông qua các chương trình tại festival, ban tổ chức muốn thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
 
"Con đường lúa gạo Việt Nam" không chỉ nhằm mục đích truyền thông, quảng bá cho Festival quốc lúa gạo tại Hậu Giang, mà đây chính là nơi đưa khách tham quan đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, ấn tượng khi từng bước trải nghiệm trên con đường chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành nông nghiệp và ngành lúa gạo Việt Nam" – ông Tuyên chia sẻ.
 
Bài và ảnh: LÊ HOÀNG (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu