Chủ nhật, 26/07/2020,08:12 (GMT+7)
Kỳ vọng từ dự án giảm nghèo
Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, sẽ giúp người nghèo có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Khi tiếp cận nguồn vốn, ngoài tăng thêm số lượng đàn vịt, ông Hợi còn nuôi thêm gà, hy vọng mô hình này sẽ giúp gia đình ông thoát nghèo.
 
Tiếp vốn cùng người nghèo
 
Là hộ nghèo đã mấy năm nay, ông Huỳnh Văn Hợi, ở ấp 9A1, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, luôn cố gắng lao động sản xuất, để có thể nâng cao thu nhập cho gia đình. Dẫu có nhiều cố gắng, song nghèo vẫn hoàn nghèo. Trước ý chí vươn lên của gia đình, năm 2020 khi được hỗ trợ 250 triệu đồng thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã lập danh sách để gia đình mượn 15 triệu đồng, nhân rộng mô hình chăn nuôi.
 
Trò chuyện cùng mọi người, ông Hợi chia sẻ: “Gia đình tôi không có đất ruộng, nên tôi tận dụng diện tích đất phía trước nhà để chăn nuôi. Mấy năm nay, tôi nuôi vịt, nuôi ngỗng. Nhờ lấy công làm lời, nên mỗi đợt nuôi gia đình cũng lời được vài triệu đồng. Nhận thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng định tăng thêm số lượng đàn nuôi, nhưng không có vốn. Khi được địa phương cho hay gia đình tôi cùng với 17 hộ nghèo, cận nghèo khác sẽ được mượn vốn, để thực hiện mô hình làm ăn, tôi phấn khởi lắm”.
 
Bình quân mỗi lần ông Hợi nuôi 50-60 con vịt, ông dự định khi tiếp cận được nguồn vốn 15 triệu đồng sẽ tăng thêm số lượng đàn nuôi. Ngoài ra, còn nuôi thêm gà, để kiếm thu nhập cho gia đình. Theo ông Hợi, thấy người ta nuôi gà cho lợi nhuận kha khá, nên ông cũng tính nuôi. “Không có ruộng vườn, tôi phải làm nhiều thứ, để có thu nhập cho gia đình. Tôi hy vọng mô hình chăn nuôi này, sẽ giúp kinh tế phát triển”, ông Hợi bày tỏ.
 
Hai năm trước, ông Hợi đã đăng ký thoát nghèo, song do giá bán vịt thấp, ảnh hưởng thu nhập gia đình, cho nên không thể thoát nghèo. Năm nay, ông hy vọng số vốn được mượn từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sẽ giúp gia đình ông cải thiện kinh tế, thoát nghèo bền vững.
 
Góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
 
Nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn vốn, thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ nguồn vốn về 9 địa phương để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân.
 
Là một trong những địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án trong năm 2020, xã Hòa An có 63 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được mượn vốn từ 10 đến 15 triệu đồng, để thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đầu năm 2020, xã có 865 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,4%.
 
Năm nay, địa phương phấn đấu giảm hơn 4% tỷ lệ hộ nghèo. Ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho biết: “Khi vốn được giải ngân, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển đến các hộ thuộc dự án. Ngoài ra, để giúp bà con sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình, cán bộ địa phương sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp để người dân thu được hiệu quả cao trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt”.
 
Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương đã lựa chọn hộ cho mượn vốn một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong người dân. “Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, dự án được triển khai sẽ góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Do đó, khi tiếp cận được nguồn vốn, mọi người cần triển khai ngay và sử dụng đúng mục đích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, các địa phương cần chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân thu được năng suất cao trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi”, ông Ngô Triều Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết.
 
Năm 2020, có 9 địa phương thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo gồm xã Tân Long, xã Hiệp Hưng, xã Phụng Hiệp, xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Viễn A, xã Lương Nghĩa, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ), xã Long Bình (thị xã Long Mỹ) và xã Vị Bình (huyện Vị Thủy), với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng.

BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu