Thứ ba, 09/01/2024,07:08 (GMT+7)
Lại lao đao vì “được mùa mất giá”.
Do đem lại hiệu quả kinh tế cao, cá chẽm được nông dân Sóc Trăng nuôi nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, giá cá chẽm đang giảm mạnh khiến người nuôi lao đao.
 
Ông Trịnh Tấn Phát (ngụ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có ao nuôi cá chẽm hơn 7.000 m2 đang vào giai đoạn thu hoạch. Ông cho biết vụ nuôi năm nay thuận lợi, năng suất cá đạt cao nhưng giá thu mua lại rất thấp.
 
Những tháng đầu năm 2023, giá cá chẽm ở mức cao, từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 90.000 đồng. Trong khi đó, hiện nay, giá 1 kg cá chẽm chỉ còn khoảng 60.000 - 65.000 đồng.
 
Với giá thành hiện tại, hộ nuôi không có lợi nhuận. Thậm chí, tùy vào điều kiện nuôi và quy mô ao nuôi, nhiều hộ có thể lỗ. Vì vậy, nhiều hộ nuôi đành "treo ao" chờ giá. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa phải kéo dài thời gian nuôi, đội chi phí thức ăn.
 
Đáng nói, nhiều thương lái dù đã đặt cọc thu mua cá chẽm từ trước nhưng khi giá sụt giảm đã bỏ tiền, không quay lại. Việc tìm thương lái để thu mua cá hiện rất khó. "Thương lái đã hứa rồi mà giờ thấy giá thấp, không có lời nên họ biệt tăm, gọi hoài không nghe máy" - ông Phát lo ngại.
Lại lao đao vì "được mùa mất giá"- Ảnh 1.
Nhiều thương lái đã bỏ luôn tiền đặt cọc, không thu mua cá chẽm của hộ nuôi vì giá thấp
 
Theo ông Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Ngư Nghiệp (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), cá chẽm xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng yếu đi. Trong khi đó, sản lượng cá chẽm năm 2023 lại tăng khiến giá sụt giảm. "Tình hình tiêu thụ thời gian tới phụ thuộc vào việc tiêu dùng của thế giới cũng như trong nước, ít nhất hết quý I hay quý II/2024 mới có thể hình dung được" - ông Dũng nhận xét.
 
Mô hình nuôi các loài cá nước lợ bắt đầu phát triển mạnh ở Sóc Trăng từ cuối năm 2011. Đây được xem là giải pháp đa dạng hóa thủy sản nuôi ở thời điểm nghề nuôi tôm liên tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, diện tích nuôi cá chẽm ngày càng mở rộng, thiếu bền vững. Diện tích thả nuôi và sản lượng cá thu hoạch so với nhu cầu thị trường chưa cân đối.
 
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh vừa phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tiến hành nghiên cứu những đặc điểm sinh học để tạo ra nguồn giống chất lượng đối với các loài cá nước lợ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cấp chứng nhận một số loài cá theo quy chuẩn quốc tế để đáp ứng đơn đặt hàng từ nước ngoài, bảo đảm sản lượng xuất khẩu ổn định.
 
"Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các nhà máy thủy sản thúc đẩy chế biến sâu đối với các mặt hàng làm từ những loài cá nước lợ để góp phần giải quyết tình trạng khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm" - bà Bình nhấn mạnh.
 
Việc đa dạng hóa các loại thủy sản là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng và sự đa dạng về sinh thái của Sóc Trăng. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có giải pháp mang tính lâu dài, nông dân sản xuất theo hướng có liên kết để việc nuôi cá chẽm nói riêng và cá nước lợ nói chung không còn là nghề may rủi.
 
 
Bài và ảnh: Lê Hoàng (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu