Thứ ba, 16/05/2023,12:06 (GMT+7)
Lâm Đồng: Dự án 3 tỉ, giải ngân... 1 triệu đồng!
Trong số các dự án giải ngân đầu tư công năm 2022 thấp của tỉnh Lâm Đồng, có nhiều dự án giải ngân 0%, có dự án vốn đầu tư 3 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 1 triệu đồng.
 
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất kết quả kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân tại 5 sở, ngành và 6 địa phương có liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh là 78,6%.
 
Lâm Đồng: Dự án 3 tỉ, giải ngân... 1 triệu đồng! - Ảnh 1.
Sân vận động Đà Lạt là một trong những dự án có giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh tư liệu.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 63 dự án, công trình, chương trình (gọi chung là dự án) giải ngân thấp, có đến 10 dự án giải ngân 0%. Đó là các dự án: Xây dựng trường THPT Phan Đình Phùng (1,5 tỉ đồng); Bố trí các dự án thuộc diện hỗ trợ cho các hợp tác xã (4 tỉ đồng); Xây đường Nguyễn An Ninh (2,7 tỉ đồng); Nâng cấp nút giao thông Phạm Ngọc Thạch - Quang Trung thị trấn Đạ Tẻh (6 tỉ đồng).
 
Có dự án đường giao thông nối dài từ thôn Nghĩa Thủy đến đường ĐH92 xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên vốn đầu tư 3 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 1 triệu đồng. Theo giải trình của huyện Cát Tiên, do chủ đầu tư nhiều lần làm việc với nhà thầu nhưng nhà thầu không triển khai thực hiện vì gặp khó khăn tài chính, mất năng lực tổ chức triển khai thi công.
 
Các công trình có vốn đầu tư lớn nhưng giải ngân thấp có dự án sân vận động Đà Lạt thuộc Sở Xây dựng (vốn đầu tư 75,6 tỉ đồng, giải ngân hết năm 2022 chỉ gần 33,1 tỉ đồng, đạt gần 44%); Hồ chứa nước Ka Zam thuộc huyện Đơn Dương (vốn 200 tỉ đồng, giải ngân hơn 108 tỉ đồng, đạt 54%); Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vốn hơn 83,5 tỉ đồng, giải ngân gần 44,7 tỉ đồng, đạt gần 54%); Đường nội thị thị trấn Đạ Tẻh thuộc huyện Đạ Tẻh (101 tỉ đồng, giải ngân gần 64 tỉ đồng, đạt 63%).
Về sở ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo có 7 dự án xây dựng trường học, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học, tổng vốn đầu tư hơn 66 tỉ đồng. Các dự án này giải ngân đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với mặt của tỉnh.
 
Sở Xây dựng có 2 dự án với tổng vốn đầu tư gần 83 tỉ đồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 2 dự án, tổng vốn gần 9,3 tỉ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9 dự án, gần 217 tỉ đồng, Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm có 1 dự án, 18 tỉ đồng.
 
Về địa phương, UBND TP Bảo Lộc có 17 dự án tổng vốn đầu tư hơn 102 tỉ đồng, UBND huyện Lạc Dương là 5 dự án, hơn 77 tỉ đồng, UBND huyện Đơn Dương 6 dự án, gần 264 tỉ đồng, UBND huyện Cát Tiên 4 dự án, gần 52 tỉ đồng; huyện Đạ Tẻh 7 dự án, hơn 152 tỉ đồng, huyện Đức Trọng 3 dự án, gần 5 tỉ đồng.
 
Ngoài kiểm điểm trách nhiệm tập thể, nhiều cá nhân là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch huyện, Giám đốc hoặc Phó giám đốc Ban quản lý dự án, Trưởng hoặc Phó trưởng một số phòng thuộc UBND các huyện phải kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm, đề ra phương án khắc phục trong thời gian tới.
 
Các lý do được giải trình chủ yếu do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, khiếu nại kéo dài; do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thi công, huy động nhân công, máy móc; nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
Còn nguyên nhân khiến các dự án xây dựng, đầu tư một số hạng mục cho các trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngoài 2 trường hợp do vướng giải phóng mặt bằng thì các dự án còn lại đều do thời tiết mưa nhiều, đơn vị thi công không tập trung đủ công nhân, máy móc để đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch.
 
Trường Nguyên (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu