Thứ bảy, 26/12/2020,07:33 (GMT+7)
Lâm Đồng xây dựng bộ tiêu chí mới về du lịch canh nông
Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông. Qua năm năm triển khai, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập nên tỉnh đã tiến hành xây dựng và lấy ý kiến để ban hành bộ tiêu chí mới về công nhận điểm du lịch canh nông.
Du khách trải nghiệm điểm du lịch canh nông tại TP Đà Lạt.
 
Ngày 25-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn và đề xuất phương hướng phát triển. Hội nghị thu hút hơn 150 đại biểu đến từ các sở ngành liên quan; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và du lịch tại Lâm Đồng.
 
Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá nông sản địa phương. 
 
Lâm Đồng đã ban hành Bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông”. Đến nay, 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” (quyết định công nhận có thời hạn trong ba năm); trong đó, 19 đơn vị được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Theo đánh giá, các mô hình du lịch canh nông đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng phục vụ, nhằm thu hút du khách. Tổng vốn đầu tư các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng; diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha, trong đó khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe… phục vụ nhu cầu tham quan của du khách khoảng 20,8 ha.
 
Từ năm 2018 đến nay, mô hình du lịch canh nông tại Lâm Đồng thu hút khoảng 6 triệu lượt du khách, tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước khoảng 25 tỷ đồng; thu hút và giải quyết việc làm khoảng 1.000 lao động, 48 hướng dẫn viên du lịch tại điểm du lịch canh nông được tập huấn và cấp thẻ.
Lâm Đồng xây dựng bộ tiêu chí mới về công nhận điểm du lịch canh nông -0
 Quang cảnh hội nghị.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, việc phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng và cần thiết. Bởi, nếu không có du lịch canh nông thì nông nghiệp chỉ là nông nghiệp, nhưng khi có sự cộng hưởng của du lịch thì giá trị nông sản được tăng lên nhiều lần. 
 
Hiệu quả mô hình canh nông đã khá rõ, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương nên phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; một số đơn vị có dấu hiệu xây dựng công trình và chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định; thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách; sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng... Hiện một số quy định trong Bộ tiêu chí đã ban hành không còn phù hợp với quy định hiện hành.
 
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng bộ tiêu chí mới và tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, sở ngành liên quan để hoàn thiện, trình UBND tỉnh xem xét, sớm ban hành Bộ tiêu chí mới để công nhận điểm du lịch canh nông trên địa bàn Lâm Đồng.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, việc xây dựng mô hình du lịch canh nông không chỉ ở TP Đà Lạt, mà khuyến khích mở rộng đến các địa phương trong tỉnh ở nhiều lĩnh vực, như trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản.  
 
Bước đầu, địa phương đưa ra bộ tiêu chí công nhận điểm du lịch canh nông là phải đạt 100% tiêu chí bắt buộc (28 tiêu chí) và tối thiểu 50% tiêu chí khuyến khích. Một số tiêu chí bắt buộc như, phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (vùng nội ô), 10.000 m2 trở lên (vùng ngoại ô); mật độ xây dựng từ 3 đến 7%, chuyển mục đích từ sản xuất nông nghiệp sang đất chuyên dùng, tùy theo quy mô; không gian xanh, sạch, đẹp; lối đi bộ và giao thông nội bộ thuận tiện, an toàn; có bố trí khu vực để xe; có khu vực đón tiếp, trưng bày giới thiệu sản phẩm được bố trí hợp lý, thuận tiện; bố trí khu vực dành riêng cho khách trải nghiệm; có khu vực canh tác, chế biến nông sản phục vụ khách tham quan; nhân viên thuyết minh đã được qua đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm… cùng các hành lang pháp lý theo quy định.
 
Dự kiến, bộ tiêu chí mới về công nhận “Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” sẽ được ban hành trong quý 1-2021.
 
MAI VĂN BẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu