UBND Lâm Đồng vừa ban hành văn bản xử lý vấn đề các doanh nghiệp lắp đặt, hợp tác, cho thuê, bán điện năng lượng mặt trời trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Hệ thống điện mặt trời lắp đặt trong khu công nghiệp Lộc Sơn.
Theo đó, tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (BQLCKCN) rà soát, tạm dừng mua điện đối với các trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đầu tư, trật tự xây dựng, chưa thực hiện đúng mục tiêu dự án. Chỉ xem xét mua điện sau khi các doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu BQLCKCN rà soát các doanh nghiệp đã lắp đặt, ký kết hợp tác đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa đúng quy định về đầu tư, trật tự xây dựng để xử lý hoặc tham mưu xử lý hành vi vi phạm trước khi xem xét cho bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Đối với các doanh nghiệp cho thuê lại mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo BQLCKCN yêu cầu doanh nghiệp cho thuê khẩn trương thanh lý hợp đồng, tháo gỡ các hệ thống điện mặt trời trên mái đã lắp đặt.
Riêng Công ty Cổ phần Vinasolar Bảo Lộc phải khẩn trương đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành dự án sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế theo giấy chứng nhận đầu tư. Nếu quá thời gian cam kết mà không hoàn thành dự án thì sẽ căn cứ quy định xem xét thu hồi dự án.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin tại bài viết "Núp bóng" dự án trong KCN để sản xuất điện mặt trời không phép?, trong khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư và khai thác điện mặt trời nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Cụ thể, Công ty CP công nghệ Xanh Lộc Châu đã hợp tác đầu tư với Công ty CP INCOM Sài Gòn lắp đặt hệ thống điện trên mái và đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng vào tháng 12-2020 quy mô công suất gần 1.000 kWp (kWp là đơn vị tính công suất điện mặt trời, 1 kWp hoạt động với công suất tối đa trong 1 giờ sẽ tạo ra 1 kWh điện). Số điện sản xuất được, doanh nghiệp sử dụng sản xuất gạch và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng.
Công ty CP Intimex Bảo Lộc cho Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh (là doanh nghiệp ngoài KCN) thuê mái nhà xưởng lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời diện tích khoảng 4.000 m2, quy mô công suất 684 kWp. Ban Quản lý các KCN yêu cầu Công ty CP Intimex Bảo Lộc thanh lý hợp đồng cho thuê lại mái nhà xưởng với Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh, tháo gỡ toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời tại đây.
Điện mặt trời lắp tràn ngập cả trên nhà xưởng, nhà bảo vệ, bãi giữ xe của Công ty Vinasolar.
Còn Công ty CP Vinasorlar Bảo Lộc đã lắp dựng các tấm năng lượng có công suất khai thác 1.148 kWp trên diện tích khoảng 5.900 m2 mái nhà xưởng và đấu nối với Điện lực Lâm Đồng. Hợp tác với Công ty CP JINCA Việt Nam và Công ty CP RESUN Việt Nam lắp dựng các tấm năng lượng mặt trời tổng công suất hơn 2.280 KWP trên mái nhà xưởng diện tích hơn 12.800 m2. Hai công ty này đều chưa được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư vào KCN, việc lắp dựng các tấm năng lượng mặt trời cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Hơn nữa, doanh nghiệp này cùng 2 công ty hợp tác đã lắp đặt hoàn thành hệ thống điện trên mái không phép và kí hợp đồng bán điện cho Điện lực Lâm Đồng từ tháng 12-2020 dù mục tiêu chính là sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế và dự án chậm tiến độ vẫn chưa thực hiện. Ban Quản lý các KCN cho biết sẽ rà soát các quy định để xem xét thu hồi dự án đầu tư của Công ty CP Vinasolar Bảo Lộc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, từ năm 2021, BQLCKCN tỉnh Lâm Đồng đã từng có văn bản số 101/KCN-NV đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng không đấu nối và mua điện từ mái nhà của toàn bộ dự án Công ty Cổ phần Vinasolar Bảo Lộc tại Khu công nghiệp Lộc Sơn (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Thế nhưng việc mua bán điện vẫn diễn ra.
Phía Công ty Điện lực Lâm Đồng cho rằng đơn vị luôn tuân thủ đúng theo quyết định về chủ trương của Chính phủ, thông tư của Bộ Công Thương, quy định, hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Nam.