Thứ năm, 18/02/2021,10:12 (GMT+7)
Làm du lịch - “Độc”, lạ tạo thành công
Trên bản đồ du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang tuy chưa nổi trội nhưng tỉnh không thiếu những sản phẩm, điểm đến hay, lạ. Trên hành trình tạo sự đột phá ngành “công nghiệp không khói”, cách làm khác biệt, tạo được nét riêng sẽ là bước đệm đi đến thành công !
Khách du lịch đến khám phá vùng khóm Cầu Đúc.
 
Làm mới những điều quen với mình, lạ với người
 
Mấy ngày cuối năm, nhiều khách du lịch đến từ thành phố Cần Thơ truyền nhau thông tin về “Vườn tre cổ tích” ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Vườn tre hàng ngàn cây đan xen, chen chúc “trật tự”, như một quy luật riêng của tự nhiên, tạo thành không gian xanh mát, thơ mộng, hiếm có khó tìm ở khắp vùng Hậu Giang lẫn Cần Thơ.
 
Với người dân ấp Phú Xuân, vườn tre đã gắn bó với họ mấy chục năm và rất đỗi… bình thường. Với du khách đến từ các thành phố lớn, đây là nơi đáng để đến một lần. Cứ thứ bảy, chủ nhật, khách đoàn, khách lẻ lại về đây ngắm cảnh đậm chất quê, thưởng thức món ngon cho thỏa lòng.
 
Gần 25 năm trước, vườn tre được ông Tư Sang (Đặng Văn Sang) cùng con rể trồng, dài khoảng 500m, ngang gần 30m. Đa phần là tre sim, tre mỡ, trồng khi già để bán cây cho các công trình, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ. Từ đó đến nay, hàng tre “trơ gan cùng tuế nguyệt”, người qua lại thấy thích vì mát, chứ xứ này chưa ai nghĩ một ngày đẹp trời sẽ khai thác du lịch từ hàng tre. “Tôi trồng cây tre này từ lúc tóc còn xanh, đến nay tóc mình đã bạc hết rồi mà tre ngày càng xanh, mình già mà tre cứ trẻ và sung sức”, ông Tư Sang nay đã ngoài 80 tuổi, cười cho biết.
 
Hàng tre dù có đẹp đến đâu nếu không thấy được tiềm năng sẽ khó phát triển và tạo điểm nhấn. Chỉ khi có người chịu đầu tư, nhận ra tiềm năng, giá trị mới được phát huy. Một dịp tình cờ, anh Trần Hữu Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rosaco, chủ đầu tư Bamboo Garden - Tư Sang Hậu Giang, biết được vườn tre thông qua một người bạn. “Trước đó có người đã thấy được tiềm năng của vườn tre, làm một không gian nho nhỏ để bán quán… nhậu, khách đông nhưng chủ yếu là nhậu. Còn tôi về đây xây dựng thành một điểm đến để khám phá, tạo nét riêng dành cho nhiều lứa tuổi”, anh Tài chia sẻ.
 
Anh Tài là người con miền Tây chính hiệu, quê ở tỉnh Kiên Giang, đam mê du lịch khi còn đi học, nên không khó để nhìn ra tiềm năng phát triển từ du lịch của vườn tre mấy mươi năm tuổi. Nơi đây dần trở thành điểm đến của nhiều người yêu thích thiên nhiên, trân trọng mảng xanh và muốn tìm về không khí hoài cổ. Anh Tài tuy mới 30 tuổi nhưng cách làm du lịch già dặn, khi thiết kế những tiểu cảnh hay khai phá tiềm năng đều gắn kết và hòa mình vào mảng tre xanh, giữ nguyên trạng hàng tre.
 
Đến đây, du khách được ngắm những tiểu cảnh đậm chất quê nhà, tất cả đều làm từ tre, lá quê hương, kết hợp với đó là những bức tranh vẽ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của nước ta là điểm nhấn trong tuyên truyền giáo dục. Thỏa thích ngắm cảnh xong, khách có nhu cầu sẽ được phục vụ bánh xèo, bánh khọt do những cô gái mặc áo bà ba đổ bánh, rồi cá nướng ống tre, gà nướng đất sét cùng nhiều món ăn khác nữa.
 
Số lượng khách chưa quá nhiều, nhưng tại một điểm đến còn khá… heo hút nhưng đã tạo được sự chú ý bước đầu như vậy là điều đáng mừng.
Không gian như cổ tích tại Bamboo Garden - Tư Sang Hậu Giang (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp).
 
“Có trân trọng du khách, người ta mới đến với mình”
 
Trong thời điểm du lịch gần như bị “đóng băng” bởi dịch bệnh, nhưng homestay của chị Trang Kiều Diễm, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vẫn nhận được không ít cuộc gọi từ du khách trong lẫn ngoài tỉnh đặt lịch tham quan.
 
Cuộc sống nông dân gắn bó với chị từ nhỏ, đến đôi chín đi lấy chồng, sinh con, kinh nghiệm làm du lịch là con số không. Khi nghe địa phương nói làm du lịch, chị vừa lo, vừa sợ. Sợ là xứ mình, nhà mình đó giờ chỉ có cây khóm, làm du lịch thế nào đây. “Là phụ nữ nông thôn, tôi không có ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ mở mang ra mà không làm hài lòng du khách đến đây thì người ta cười mình chết, làm người ta hết ấn tượng với xứ này”, chị Diễm bộc bạch.
 
Chính sự trân trọng với du khách, chị Diễm mới có những suy nghĩ, nỗi lo đó. Chị Diễm bộc bạch: “Tôi suy nghĩ làm du lịch là khi khách đến nơi mình vừa có chỗ tham quan, vui chơi thoải mái, vừa có những món ăn ngon, mình làm du lịch miệt vườn thì thấy hai điều đó là quan trọng. Vườn khóm thì nhà nào cũng như nhau thôi, có khóm, có mương, đẹp hay không là do mình lên liếp, be bờ, làm cỏ sạch sẽ, nếu ai lạ thấy vườn khóm ngút ngàn, có nhiều trái chuẩn bị hái là tự nhiên nó đẹp. Tôi học nấu ăn từ nhỏ, biết nấu nhiều món từ món mặn đến bánh ngọt rồi rượu từ trái khóm, khách đặt là tôi làm… có lẽ vì vậy mà khách thường ghé”.
 
Khách đến đây, nếu có đặt, chị làm bánh xèo củ hủ khóm, củ hủ khóm hầm xương, mứt khóm, rượu khóm nhà làm, cá lóc đồng nướng trui, cá kho tộ, gà nấu khóm… Những món ăn ngon mà dung dị này đã níu chân và làm lưu luyến biết bao nhiêu là thực khách khi đến nơi đây.
 
Chị Lê Thị Thanh Hằng, một du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi xuống Cần Thơ, nghe khóm Cầu Đúc vang danh, đã dành cả ngày thuê taxi đi xuống tận nơi thăm thú. “Mình ở đô thị, thấy nhà vườn rộng thênh thang, đất đai bạt ngàn phủ lên màu xanh cây khóm là thích rồi. Càng thích hơn khi đến đây du lịch mà gặp những người dân thật thà, sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện với mình. Ở đây không có cái khái niệm “chặt chém” khách du lịch”.
 
Ông Huỳnh Văn Tửng, cũng ở ấp Thạnh Thắng, năm nay bước sang tuổi 80, nhà ông cũng là điểm du lịch cộng đồng mang tên Homestay Huỳnh Văn Tửng, có khách đến là ông vui vẻ cùng con trai út chở đi thăm vườn, kể chuyện về hành trình cây khóm của đất này, đọc thơ cho du khách nghe, bởi vậy ai cũng thích.
 
“Khóm này khóm nghĩa, khóm tình
 
Đi xa anh nhớ tình mình hôm nao…”.
 
Ông Tửng vừa cười vừa đọc câu thơ. Ông kể hồi đó vợ chồng ông gặp nhau cũng từ những ngày làm vần công chặt khóm, làm cỏ, lên liếp khóm. “Người dân quê gắn bó lắm, nay nhà này có việc thì nhà kia làm tiếp, cứ vậy vần công với nhau. Du khách đến đây tôi cũng kể những câu chuyện bình thường như vậy, mà ai cũng thích thú, vui vẻ, kêu tôi kể nhiều thêm nữa”, ông Tửng cười móm mém kể.
 
Vùng khóm đã được thành phố Vị Thanh lên kế hoạch đầu tư dài hơi gắn kết phát triển du lịch, là sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng của nơi đây. Nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng được đề án phát triển du lịch dài hơi, một động thái cho thấy quan tâm đặc biệt đến ngành “công nghiệp không khói”.
 
Niềm tin với khách du lịch đã có, sản phẩm du lịch hay, độc lạ, khác biệt cũng đã có, vậy giờ còn cách làm để kết nối với du khách xa gần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Làm du lịch là câu chuyện dài, cần có sự đầu tư và quyết tâm. Đầu tư ở đây không chỉ là kinh phí mà là đầu tư cho ý tưởng khác biệt khi làm du lịch. Thế mạnh của Hậu Giang là sản phẩm nông nghiệp, do đó tính toán gắn kết với sản phẩm này là câu chuyện được bàn nhiều trước đây và cả hiện tại. Chúng tôi cũng đồng ý quan điểm là đã làm du lịch phải có sự khác biệt và làm du lịch nông nghiệp thì cần phát huy tốt vai trò của người dân…
 
Hậu Giang đã có một bước chuẩn bị dù trễ nhưng phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Du lịch Hậu Giang là “Người đẹp ngủ say” và đến nay vẫn chưa thức giấc. Một giấc ngủ sâu của “người đẹp” được kỳ vọng khi bừng tỉnh sẽ đủ năng lượng băng về đích…
 
BẢO NAM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu