Cùng bà đến thăm mô hình sản xuất của hội viên, trong khi mọi người còn mãi chuyện trò, bà Thủy đã dạo một vòng, quan sát khắp nơi, xem cây này, hoa kia, rồi xin giống về ươm trồng. Bà Thủy bảo: "Dường như cái "máu" nông dân đã ăn sâu trong người từ khi tôi tham gia Hội. Hễ đi đâu thấy cây gì hay hay hoa gì đẹp, tôi cũng mua hoặc xin về để nhân giống, phòng khi cần dùng đến…". Đam mê trồng trọt nên cách nay mấy năm, khi cây rau mầm, rau thủy canh còn khá mới mẻ với nhiều người, bà đã mạnh dạn liên hệ nhờ giảng viên Trường Đại học Cần Thơ tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng rau mầm, rau thủy canh. Bà Thu Thủy kể: "Lúc mới học và áp dụng, rồi được hỗ trợ dụng cụ, hạt giống, người dân rất hào hứng, nhưng sau một thời gian thì nghỉ vì cực quá mà lợi nhuận không cao. Nhưng điều quan trọng là hình thành được ý thức sử dụng rau sạch, rau an toàn cho người dân". Hiện nay, bà vẫn nhận làm giá sạch, rau mầm theo đơn đặt hàng của khách hằng tuần.
Để làm ra 1 thùng rau mầm (100 gram hạt giống) phải mất đến 7 ngày nhưng lời chưa đến 15.000 đồng trong khi khâu làm giá thể khá kỳ công, xỉ than đá mua về phải đập ra, sàng lọc rất kỹ trộn với xơ dừa, phân trùn quế… và mỗi giá thể như thế chỉ được sử dụng 1 lần. Tiêu chí làm rau của bà là trước hết phải sạch, an toàn và đẹp mắt. Vì vậy mà có những hôm bà phải thức đến khuya để rửa sạch, hong khô và đóng gói sản phẩm kịp giao khách. Vào những dịp quận, phường tổ chức đại hội, hội thi trưng bày sản phẩm, đều có gian hàng rau mầm của bà tham gia, để quảng bá, giới thiệu rau sạch, an toàn đến người tiêu dùng.
Bà Thu Thủy (bìa trái) thường xuyên đến thăm hỏi tình hình sản xuất, kinh doanh của nông dân trong khu vực.
Bà Thu Thủy trăn trở: "Nhiều lúc đi chợ thấy nông dân bán đổ bán tháo nông sản do chính mình trồng ra với giá rẻ bèo, tôi xót lắm. Bao nhiêu công sức, cực khổ đầu tư mà lợi nhuận không bao nhiêu. Vì vậy, mỗi khi học được kiến thức hay, kinh nghiệm hữu ích, tôi đều chia sẻ, truyền đạt lại hội viên. Tôi cũng hay tìm tòi, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, sáng kiến mới để ứng dụng trong sản xuất; thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con chú ý giữ vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thế nên khi nghe hộ nào có mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, tôi vui như là mô hình của mình".
Vừa qua, Hội Nông dân phường tổ chức tập huấn kỹ thuật, thành lập được tổ sinh vật cảnh, với 19 thành viên. Đến nay cũng có nhiều thành viên phát triển mô hình hiệu quả. Chị Tống Mỹ Phượng, hội viên nông dân khu vực 3, chia sẻ: "Chị Thủy rất nhiệt tình trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương. Nhất là luôn quan tâm, gần gũi tìm hiểu tình hình trồng trọt, kinh doanh của hội viên. Cũng nhờ chị Thủy luôn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, tôi mới phát triển mô hình trồng mai của mình hiệu quả như ngày hôm nay".
Bên cạnh tích cực học tập, lao động cần cù, sáng tạo theo tấm gương của Bác, bà Thu Thủy còn rất nhiệt tình với công tác vận động xã hội hóa làm đường giao thông. Cuối năm 2018, bà cùng khu vực vận động người dân đổ đá nâng cấp tuyến hẻm 54, đường Hồ Trung Thành, dài 500m, ngang 5m, tổng chi phí trên 21 triệu đồng. Bà Thu Thủy chia sẻ: "Hẻm cao ráo, sạch sẽ, đi lại thuận tiện hơn trước. Chúng tôi đang có kế hoạch vận động người dân trong hẻm đóng góp tráng nhựa để con hẻm được khang trang, sạch đẹp hơn nữa".
Với những đóng góp tích cực của mình trong công tác, vừa qua, bà Thu Thủy vinh dự là một trong những cá nhân được Thành ủy Cần Thơ tuyên dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.