Nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, một trong những huyện vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo của thầy và trò Trường THCS Hòa Hiệp từ nhiều năm nay đã trở thành việc làm thường xuyên với rất nhiều ý tưởng độc đáo. Điển hình như ý tưởng thiết kế nhà vệ sinh thông minh, tự động vệ sinh khi hàm lượng khí a-mô-ni-ắc (NH3) vượt ngưỡng cho phép. Thầy Phạm Đức Khương, giáo viên môn Địa lý Trường THCS Đức Hòa chia sẻ: “Nhà vệ sinh của trường, dù được dọn dẹp thường xuyên, vẫn rất bẩn và luôn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh. Từ đề xuất của các em, tôi và hai học sinh lớp 8A4 của trường đã tiến hành nghiên cứu giải pháp nhà vệ sinh thông minh. “Trái tim” của giải pháp này chính là thiết bị cảm biến đo nồng độ a-mô-ni-ắc, khi nồng độ này vượt ngưỡng thiết bị sẽ thông báo để tự động làm sạch, không phải mất nhiều công lao động như trước nữa”.
Tương tự như vậy, giải pháp nghiên cứu “Đuổi gián bằng chế phẩm sinh học từ cây lá dứa” của thầy và trò Trường THCS Bưng Riềng, hay như giải pháp “Điều chế tinh dầu hương nhu giúp điều trị hiệu quả bệnh rụng tóc” của thầy và trò Trường THCS Hòa Hội... cũng là những nghiên cứu có tính ứng dụng cao, khiến các em rất thích thú. Đề tài nghiên cứu “Khảo sát thành phần hóa học và thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư gan, vú, cổ tử cung của các phân đoạn cao Etyl Axetat lá cây thiết đinh cà ná” của thầy và trò Trường THPT Hòa Hội đã ghi dấu với những giải thưởng cao và được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đề tài do nhóm học sinh Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 12A1) thực hiện với sự hướng dẫn của thầy Võ Công Thìn, giáo viên dạy môn Hóa học. Thầy Thìn cho biết, thiết đinh cà ná được các nhà nghiên cứu tìm thấy tại khu vực Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận năm 2015, nhưng nhiều hoạt chất chiết xuất từ loài cây này chưa được nghiên cứu cụ thể. Để thực hiện đề tài, trong suốt tám tháng, cứ cuối tuần, thầy và trò lại bắt xe lên phòng nghiên cứu của Viện Pa-xtơ (TP Hồ Chí Minh) để chiết xuất một số chất từ cây thiết đinh cà ná. Sau đó, mẫu được gửi đi thử hoạt tính. Kết quả nghiên cứu đã đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật năm học 2017 - 2018. Thầy Thìn chia sẻ, trong suốt quá trình nghiên cứu, các em được rèn luyện thêm về khả năng làm việc nhóm, về sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người làm khoa học, tình cảm thầy và trò càng thêm gắn kết.
Nhận thấy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng nguồn nước không thường xuyên, nhiều khu vực nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng cá, tôm chết hàng loạt, hai em học sinh Đỗ Thành Đạt (lớp 11A2) và Nguyễn Trung Hiếu (lớp 12A3) Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) đã mạnh dạn nghiên cứu, chế tạo “Thiết bị đo pH, độ đục, nhiệt độ, TDS, DO cho nuôi thủy sản giám sát qua in-tơ-nét”. Thiết bị có các chức năng chính là đo và giám sát các thông số tự động và bán tự động. Em Đỗ Thành Đạt cho biết: Sau khi đo được kết quả nhiệt độ, độ pH, độ đục, TDS, DO tại ao nuôi, thiết bị sẽ chuyển dữ liệu qua màn hình LCD và phần mềm Blynk. Qua đó, người nuôi điều khiển và giám sát từ xa bằng in-tơ-nét, đồng thời nhận biết được tình trạng nước nuôi thủy sản hằng ngày và dễ dàng xử lý khi có biến đổi. Thiết bị được sản xuất từ linh kiện, vật tư mua ở trong nước, gọn nhẹ cho nên giá thành hợp lý. Sau khi giành giải nhất Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2018 - 2019, đề tài này tiếp tục đoạt giải nhì cuộc thi cấp quốc gia.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Thanh Quang khẳng định: Nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ giúp các em học tập tốt hơn mà còn gắn việc học với thực hành, trải nghiệm thực tế. Đây chính là nền tảng để các em tiếp tục phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm từ đó hoàn thiện về phẩm chất và năng lực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật sau này.