Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra cho tất cả các quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số. Nếu không tích cực đổi mới sáng tạo thì lực lượng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Việc gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty, các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội nhằm tăng tính thực hành và trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, sinh viên, kết nối nguồn lực, đổi mới sáng tạo giúp sinh viên khởi nghiệp, là trách nhiệm của các cơ sở GD và ĐT. Vì vậy, từ năm 2018 đến nay, nhiều hoạt động khởi nghiệp cũng như cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được triển khai.
Vượt qua nhiều ý tưởng, dự án sản xuất kem bôi nhiệt miệng Vimigel từ cây Pác lừ của nhóm giảng viên, sinh viên Khoa Dược, Trường đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) đã giành giải nhất Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Thái Nguyên năm 2020. Ý tưởng của nhóm nghiên cứu xuất phát từ việc thấy người dân sử dụng cây dược liệu Pác lừ để chữa loét miệng rất hiệu quả. Dự án này nhằm ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại để chuyển bài thuốc dân gian thành một sản phẩm nguồn gốc thảo dược có hiệu quả điều trị bệnh, tiện dụng, an toàn. Sinh viên Nguyễn Mai Quang Dương, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trên thị trường có nhiều loại kem bôi nhiệt miệng, nhưng có nguồn gốc tân dược hoặc có giá thành cao. Ngoài ra, cũng có một số kem bôi trị nhiệt miệng có nguồn gốc thảo dược nhưng thời gian để giảm triệu chứng đau thường mất cả tuần. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu, bào chế sản phẩm nêu trên để đáp ứng nhu cầu người dân. Do ứng dụng công nghệ chiết xuất cao phân đoạn, không làm mất hoạt chất, điểm mạnh của kem bôi này là tăng tác dụng chống viêm, giảm loét hơn so với cách nhai lá. Thông qua hoạt động khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, Dương và các bạn sinh viên có cơ hội rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận, một trong những yêu cầu cao nhất với chuyên ngành y dược mà các em theo đuổi. Cô giáo Nông Thị Anh Thư, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, để có được sản phẩm nêu trên là nhờ vào sự tâm huyết và hỗ trợ của các sinh viên trong nhóm. Từ lúc lên ý tưởng đến khi có được sản phẩm bước đầu, cả nhóm đã phải mất thời gian hai năm. Làm những đề tài như thế này rất vất vả, nhiều hôm đến tối muộn, cô trò vẫn nhắn tin góp ý hoàn thiện sản phẩm.
GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, trường đã xây dựng ba trung tâm khởi nghiệp sáng tạo với thiết chế mở, tạo ra không gian, điều kiện để cán bộ, sinh viên tổ chức, thể hiện ý tưởng của mình. Ngoài ra, Đại học Thái Nguyên cũng là nơi kết nối cung - cầu giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặt ở Trường đại học Nông lâm. Mô hình này kết nối được chất lượng giờ giảng mang tính sáng tạo của người thầy với ý tưởng của sinh viên, nhu cầu doanh nghiệp. Mỗi bài giảng của các giảng viên là cơ hội để khởi nghiệp, mỗi hoạt động giáo dục của giảng viên trong trường gắn với thực tiễn trong môi trường thực tập của sinh viên đã giúp nảy ra những ý tưởng sáng tạo, từ đó, thầy trò cùng nhau nuôi dưỡng ý tưởng đó gắn với thực tiễn hoạt động.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua, bộ đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhất là sự đồng hành, ủng hộ của nhiều bộ, ngành và địa phương. Để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Bộ GD và ĐT sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện qua các hoạt động, chính sách cụ thể. Ngành giáo dục xác định đây là trách nhiệm, là sứ mệnh của ngành, của các nhà giáo. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới GD và ĐT từ phổ thông đến đại học, chứ không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức hằng năm chính là sân chơi, là cơ hội để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội, là môi trường để kết nối "ba nhà": Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.