Gia đình ông Faruk Hossain. Ảnh: Guardian
Trong 6 tháng qua, Faruk Hossain ra sức giữ cho ngôi nhà mà ông lớn lên khỏi bị sạt lở trong bối cảnh làng Chakla (huyện Satkhira, thành phố Khulna) bị con sông chảy qua làng xâm chiếm. Nhưng cuối cùng, ngôi nhà của Hossain cũng không “trụ” lại được. Do đó, người đàn ông 56 tuổi này buộc phải từ bỏ cuộc sống làm nông để thuê một nơi ở nhỏ ở thành phố gần nhất Khulna. “Tôi sẽ từ bỏ mãi mãi quê cha đất tổ. Tất cả những người thân của tôi, gồm 4 anh em tôi, đã sống ở đây vài chục năm. Thiên tai thường xuyên khiến chúng tôi không thể sống trong chính ngôi nhà của mình. Những người anh em khác của tôi đã bỏ đi từ lâu. Tôi là người cuối cùng buộc phải rời bỏ nơi này. Tôi đã sống trên mảnh đất của người cha trong khoảng 6 tháng với rất nhiều khó khăn nhưng những dấu vết sau cùng của ngôi nhà dần bị dòng sông nuốt chửng. Cuối cùng tôi không giữ được ngôi nhà” - Hossain ngậm ngùi nói.
Tháng trước là tròn 50 năm kể từ khi cơn bão Bhola đổ bộ vào Bangladesh khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng. Mặc dù tỷ lệ tử vong do thiên tai tại quốc gia Nam Á này đã giảm trong thời gian gần đây nhưng thiên tai xảy ra với tần suất dày đặc khiến các làng quê nước này khó phục hồi. Các khu vực ven biển thuộc huyện Satkhira cũng như các quận khác của thành phố Khulna đầy rẫy những người vô gia cư kể từ khi bờ kè các con sông địa phương vốn bị nhiều cơn bão bào mòn tan vỡ. Tại vùng Pratapnagar của Khulna, 18 ngôi làng đều chìm trong biển nước.
Cơ quan quản lý thiên tai Bangladesh cho biết, 300.000 người đã bị lũ lụt gây ảnh hưởng, khoảng 50.000 người trong số này không có chỗ ở. Kể từ khi bão Amphan đổ bộ vào Bangladesh hồi tháng 5, nhiều người phải ở tạm bên bờ sông, ven đường hoặc trú tạm tại những nơi tránh bão. Một số đi đến các ngôi làng gần đó hoặc đến các thành phố để sinh sống; số khác thì chuyển đến những mảnh đất khô cằn, dựng lều sống tạm.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động mất việc làm, bão Amphan đã tạo thêm gánh nặng về kinh tế đối với người dân ở nông thôn khi mà 2 vụ lúa trôi qua họ không thể trồng được gì, trong khi các ao nuôi cá, trang trại nuôi tôm vốn được coi là nguồn tạo ra việc làm chính cũng bị nước lũ cuốn trôi. Những người lái xe chở hoa màu đến chợ thì bán xe và chuyển sang kiếm sống bằng nghề chèo thuyền. “Tôi từng trồng lúa được mùa. Tuy nhiên, đất trồng lúa giờ đã chìm trong nước. Hiện tôi sống bằng nghề chèo thuyền qua những cánh đồng, đưa khách từ bên này sang bên kia và nhận được từ 100-150 taka (1,2-1,8USD). Gia đình tôi không thể tồn tại bằng nguồn thu nhập ít ỏi này” - Shahjahan Moral, 45 tuổi, tâm sự.
Dù Bangladesh cải thiện hệ thống cảnh báo lũ lụt và Liên Hiệp Quốc ca ngợi các biện pháp chống lũ của nước này, nhiều người vẫn cảm thấy chưa đủ để giúp những người sống sót sau lũ. Các bờ kè chống lũ được xây dựng từ những năm 1960 bị mài mòn sau nhiều trận bão nhưng chính phủ vẫn chưa có phương án sửa chữa. Tại những ngôi làng bị bão Amphan quét qua, nhiều bờ kè không được sửa chữa sau những trận lốc xoáy tương tự, như Sidr và Aila, khiến hàng ngàn người thiệt mạng vào năm 2007 và 2009.
Chính tác động lâu dài của lũ lụt đang đẩy dân cư tại các vùng nông thôn Bangladesh đến các thành phố vốn đã đông đúc, khiến các khu ổ chuột ngày càng “phình” ra.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trong báo cáo hồi năm ngoái cảnh báo lũ lụt, lốc xoáy và các thảm họa môi trường khác do biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống và tương lai của hơn 19 triệu trẻ em Bangladesh, qua đó kêu gọi Dhaka triển khai hành động khẩn cấp để giữ an toàn cho trẻ em và giảm thiểu tác động của thiên tai. Cơ quan này lưu ý Bangladesh cần phải có thêm nguồn lực và các chương trình đổi mới để ngăn chặn mối nguy mà biến đổi khí hậu mang lại cho những công dân trẻ nước này.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)