Tuy vậy, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng tư năm 2020 là 102 nghìn người, tăng 9% so với tháng trước đó. Số lao động bị chấm dứt hợp đồng, tính đến cuối tháng tư, là 670 nghìn người, tăng 270 nghìn người. Số lao động ngừng việc cũng cao hơn do tăng hơn 20% trong tổng số 70% doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Sang đầu tháng 5, tình trạng này có xu hướng giảm, và lao động bắt đầu trở lại thị trường việc làm.
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).
Cơ quan này cũng cho biết thêm, gần đây, cá biệt có tình trạng một số doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và để được thụ hưởng hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, đã xuất hiện tình trạng sa thải, cho ngừng việc đối với lao động lao động lớn tuổi, vi phạm pháp luật lao động. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp một số địa phương kịp thời chấn chỉnh. Đến nay, không còn hiện tượng này.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương lưu ý, quan tâm cùng cơ quan này tăng cường kiểm soát, không để tình trạng vì tình hình khó khăn để gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Gần đây, tình trạng này đã xảy ra một số địa phương, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Bên cạnh đó, cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom sổ bảo hiểm xã hội để hưởng chênh lệch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến tới chuyển nhanh sang hình thức bảo hiểm điện tử để hạn chế tối đa tình trạng này.
PHƯƠNG CHI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)