Thứ ba, 16/02/2021,04:53 (GMT+7)
Lễ chùa đầu năm
Mùa xuân là khởi đầu của một năm, cũng là khởi đầu của sự sống. Ngày đầu năm mới, nhiều người Việt tìm đến cửa chùa, gửi gắm bao ước vọng đầu xuân, chẳng phân biệt sang – hèn, có theo đạo Phật hay không. Trải qua thời gian dài, hoạt động đi lễ chùa ngày Tết trở thành văn hóa tín ngưỡng độc đáo, quen thuộc như hơi thở của cuộc sống.
 
Những ngày này, hầu như chùa nào cũng có nhiều phật tử đến viếng. Mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết đến đâu họ cũng không quên đến chùa thắp nhang, chạm vào cửa thiền cầu may mắn. Trong ảnh, người, xe nhộn nhịp một góc khuôn viên Tịnh xá Bửu Viên (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang).
 
 
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang đề nghị hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo có tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng không thể làm thay đổi thói quen đi lễ chùa ngày Tết của người dân. Vì thế, tại các cơ sở đều dán thông báo, yêu cầu phật tử chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang trước khi vào.
 
 
Mùng 1 Tết năm nào gia đình ông Trần Minh Quyền (57 tuổi, ngụ TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng đều tụ họp về bên nhau. Rồi họ dành trọn mùng 2 thuê xe, cùng đi đến các chùa ở Đồng Tháp, An Giang. “Trước thì cầu cho những người đã khuất được siêu thoát, sau lại cầu nguyện người còn sống bình an. Chuyến đi gắn kết đại gia đình nhiều thế hệ với nhau, trở thành một truyền thống tốt đẹp, chúng tôi luôn luôn muốn duy trì” – ông Quyền bày tỏ.
 
 
Với nhiều người, chẳng có ranh giới giữa “chùa nhỏ, chùa lớn”, mà họ chỉ chọn đến những ngôi chùa bản thân tin tưởng. Gạt bỏ mọi muộn phiền lo âu của năm cũ, họ nhìn vào sự thanh tịnh trong tâm hồn mình, trong chốn thiền môn. Chỉ có những thành tâm ở lại, quyện cùng mùi thơm của khói nhang, màu sắc rực rỡ của hoa, nét bình thản, từ bi của ánh mắt Phật…
 
 
Một góc khuôn viên chùa Phước Huệ (phường Mỹ Hoà, TP. Long Xuyên). Đứng trước tượng Phật Bà, người dân gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp nhất ngày đầu năm mới, cũng là một cách đem lại niềm tin bình an cho chính mình.
 
 
Người tu hành mong muốn phật tử đi lễ chùa bằng cái tâm trong sáng. Tâm không trong sáng, lại xin rất nhiều thứ, tức là tham - sân - si, chẳng Phật trời nào chứng được. Đó là những quan niệm sai lầm, không đúng với giáo lý nhà Phật. Trong ảnh, một người phụ nữ nhờ xem tử vi của mình năm Tân Sửu, giãi bày những gúc mắc trong lòng mình bấy nay.
 
 
Thầy Quảng Hiện, điều hành Trúc Lâm An Lạc (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) gửi tặng một ít lộc cho phật tử đến viếng chùa. “Đây là kẹo của tam bảo, mong các thí chủ ăn lấy thảo đầu năm, như một lời chúc tình người và đạo pháp ngọt như kẹo. Còn đây là chuỗi hạt, giúp mang lại niềm tin tâm linh cho thí chủ trong năm mới” – thầy chia sẻ.
 
 
Một số người dân nhờ các cơ sở tôn giáo làm lễ cầu an, cầu siêu cho người trong gia đình. Ý nghĩa bình thường của các khoá lễ cầu an là cầu nguyện bình an cho người sống. Còn lễ cầu siêu lại nhằm nguyện cầu cho người đã khuất.
 
 
Mùa Tết, các cơ sở tôn giáo đều được trang hoàng đẹp mắt, nên rất nhiều khách xa gần tìm đến chụp ảnh, lưu giữ khoảnh khắc đầu năm, nhất là giới trẻ. Không ít chùa trở thành địa điểm “check-in” nổi tiếng, được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
 
 
Mặc áo dài du xuân trong chùa cũng là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Thướt tha dịu dàng trong bộ áo dài truyền thống, lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng, chợt nghe lòng mình nhiều thêm một nhịp yêu thương…
 
GIA KHÁNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu