Thứ sáu, 26/07/2019,16:23 (GMT+7)
Lễ nhập hạ - Nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Khmer
Hàng năm cứ đến Pinh Bôramey - khe A-sath (theo lịch người Khmer là ngày 15-6 âm lịch), các chùa Nam tông Khmer ở Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng đồng loạt tổ chức Bun Chôl Preh Vessa (lễ nhập hạ). Đây là một trong những lễ nghi có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer. Họ dâng các vật dụng sinh hoạt đến các chư tăng tại chùa trong 3 tháng nhập hạ.

Lễ nhập hạ năm nay diễn ra trong 2 ngày (14 và 15-7), chúng tôi có mặt tại chùa Mahatup (chùa Dơi), tọa lạc tại Phường 3 (TP. Sóc Trăng). Đông đảo bà con phật tử trong và ngoài bổn chùa đến đây tham gia và dâng cơm, cúng dường nhiều vật lễ cho các vị chư tăng. Đặc biệt, một trong những vật lễ không thể thiếu đó là cây nến (đèn cầy) to. Những gia đình khá giả thì dâng loại nến to có trọng lượng từ 6kg đến 10kg/cây, còn gia đình có mức sống trung bình thì cúng dường bằng tiền để hỗ trợ cho nhà chùa đóng tiền điện trong những tháng nhập hạ.

Đông đảo bà con phật tử dâng vật lễ và nến đi xung quanh ngôi chánh điện.

Thượng tọa Lâm Tú Linh - Phó Trụ trì chùa Mahatup cho biết: “Năm nay, nhà chùa tiếp nhận trên 80 cây nến to, do bà con phật tử gần xa dâng đến chùa cúng dường. Theo truyền thống, trong suốt thời gian diễn ra an cư kiết hạ (3 tháng), tại chánh điện các chùa Khmer đều có đốt nến to để các vị sư sãi có thể thắp sáng và tu hành. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các sự cố hỏa hoạn đã xảy ra nên hàng năm mỗi khi đến những tháng nhập hạ, nhà chùa phân công các vị sư sãi túc trực mỗi ngày đêm chỉ thắp sáng 2 cây nến thay phiên nhau để đảm bảo an toàn cho phòng cháy, chữa cháy trong suốt thời gian diễn ra nhập hạ”.

Theo ông Thạch Sa Ranh - phật tử ở Phường 10 (TP. Sóc Trăng), hàng năm gia đình ông đều dành dụm tiền để mua nến to cúng dường chư tăng an cư kiết hạ, nhằm nguyện cầu bình an cho gia đình yên vui, hạnh phúc và làm ăn được suôn sẻ hơn. Ngày thứ nhất, lễ nhập hạ diễn ra vào buổi chiều, đồng bào phật tử đã dâng lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện, trong đó, lễ vật không thể thiếu là những cây nến to. Ngày thứ hai, đồng bào phật tử dâng cơm, nước, gạo, dầu... đến chùa nghe các vị chư tăng tụng kinh cầu an, cầu siêu và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc. Sau đó, mọi người khiêng kiệu (để vật dụng sinh hoạt), dâng cây nến đi 3 vòng xung quanh ngôi chánh điện. Những cây nến đó được chư tăng sắp xếp, đặt ngay trong ngôi chánh điện và thắp sáng lên để làm lễ nhập hạ. Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, các vị chư tăng trong chùa chuyên tâm học kinh Phật, làm lễ đầy đủ vào các giờ lễ, giữ giới luật và giữ cho tinh thần được thanh tịnh, trau dồi giáo lý...

Nghi thức thắp sáng nến.

Thượng tọa Lâm Tú Linh cho biết thêm: “An cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư phật trong quá khứ, với lòng từ bi lớn của người xuất gia đối với côn trùng và những chồi non khi mưa đâm chồi nẩy nở. Trong tiếng Pali “Vessa” nghĩa là mùa mưa nên thời gian nhập hạ để người xuất gia có 3 tháng trau dồi thân tâm, trở về sống nội tâm nhiều hơn là ngoại cảnh...". Trong 3 tháng nhập hạ (từ ngày rằm tháng 6 đến tháng 9 âm lịch), ngoài việc thắp sáng nến, các chùa Nam tông Khmer còn đánh trống vào hai buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ đến 5 giờ) và chiều (từ 16 giờ đến 17 giờ) để giúp cho đồng bào phật tử trong bổn chùa chủ động được thời gian trong lao động sản xuất, sinh hoạt gia đình.

Thi Re - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu