Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng Covid-19. Một số “vùng lõm” về tiêm chủng vẫn là điều nhức nhối với ngành y tế. Dịch bạch hầu đang xảy ra trên diện rộng, ba ca tử vong là một lời cảnh báo cho những người nói không với vaccine.
Trẻ em tỉnh Gia Lai được tiêm bổ sung vaccine Td.
Khó khăn trong vận động tiêm chủng
Trong khi Việt Nam đã trải qua 92 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và chưa có ca nào tử vong, thì dịch bạch hầu đang bùng phát nhanh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn bốn tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum đã ghi nhận 93 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có ba trường hợp tử vong.
Bệnh bạch hầu ghi nhận rải rác nhiều năm qua nhưng có xu hướng tăng trở lại khi vẫn còn nhiều “vùng lõm” về tiêm chủng.
Viện Vệ sinh Dịch tễ vừa qua công bố một kết quả điều tra miễn dịch tại một số tỉnh, thành phố. Kết quả khá bất ngờ, như tại tỉnh Hải Dương, phụ nữ từ 18-25 tuổi hầu như không còn kháng thể với bạch hầu. Điều này cho thấy qua thời gian, miễn dịch cộng đồng với một số dịch bệnh cũ đã yếu đi rất nhiều.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thời gian vừa qua tỷ lệ tiêm chủng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trong 5 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu là khoảng 40%. Tỷ lệ tiêm vaccine sởi-rubella, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn 5 tháng đầu năm 2019.
“Tỷ lệ tiêm chủng các vaccine tại một số địa phương vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Bên cạnh một số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì tại các địa phương đô thị, khu công nghiệp tập trung đông dân cư cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý đối tượng và vận động người dân đưa con đi tiêm chủng”, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay.
Tại buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên đầu tháng 7, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhận định, thực tế, tại nhiều vùng lõm về tiêm chủng, có tình huống cán bộ y tế đã đến tận nhà vận động nhưng người dân vẫn không đi tiêm chủng.
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần đa dạng hơn các hình thức truyền thông, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải làm tốt công tác truyền thông để làm sao thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh này. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ y tế không chỉ kỹ năng chuyên môn mà cả về kỹ năng truyền thông.
Có một thực tế nữa, nhiều người vẫn nghĩ "lỗ hổng" tiêm chủng chỉ tồn tại ở những vùng khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nhưng ở những khu vực trung tâm, có điều kiện kinh tế, dân trí cao, lỗ hổng tiêm chủng vẫn tồn tại. Đó là phong trào anti vaccine (chống sử dụng vaccine trên mạng xã hội) rộ lên vài năm nay tại một số thành phố lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh.
BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, một số người mẹ có con bị tật bẩm sinh, hay khiếm khuyết, họ quy nguyên nhân nào đó bên ngoài quy từ vaccine. Do đó, họ chia sẻ những thông tin này trên mạng xã hội, thành lập nhóm anti vaccine thu hút rất đông các bà mẹ ủng hộ. Đã có rất nhiều bài học thương tâm đã đến vì những bà mẹ từ chối tiêm vaccine cho con. Dịch sởi năm 2014 là một bài học nhãn tiền.
Phòng dịch bạch hầu quyết liệt như phòng, chống Covid-19
Khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đang giảm dần, để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019 vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là mũi tiêm vaccine bạch hầu thứ 5 để củng cố miễn dịch bệnh bạch hầu cho trẻ ở lứa tuổi lớn hơn.
Đã có 30 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao được tiêm bổ sung vaccine Td này. Và trong năm 2020, có thêm năm tỉnh, thành phố nữa được triển khai tiêm vaccineTd cho trẻ 7 tuổi với khoảng hơn một triệu trẻ sẽ được tiêm dự phòng.
Trước tâm điểm bạch hầu tại Tây Nguyên, ngành y tế vào cuộc nhanh chóng như công cuộc phòng, chống Covid-19 với việc thành lập các tổ cơ động hỗ trợ bốn tỉnh Tây Nguyên chống dịch. Các biện pháp chống dịch quyết liệt nhất đã được đưa ra bao gồm tiến hành cách ly trên diện rộng, cho uống dự phòng kháng sinh với các trường hợp tiếp xúc gần, bổ sung hàng triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 40 tuổi để tăng miễn dịch cộng đồng...
Ngày 10-7, Bộ Y tế đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước hết tại bốn tỉnh Tây Nguyên là Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vaccine được cung cấp với hơn 4,7 triệu người được tiêm vaccine.
GS Đặng Đức Anh, Viện trường Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, Việt Nam tiếp tục cần những kế hoạch dài hơi như tổ chức những chiến dịch tiêm chủng để củng cố thêm miễn dịch. Nếu chúng ta chủ quan, chỉ lo ứng phó với bệnh mới mà nới lỏng dịch cũ thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đối với dịch bệnh bạch hầu là phải dập dịch nhanh nhất, không để dịch lan rộng và bảo đảm yếu tố bền vững cho giai đoạn sau.
GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng tin tưởng, chúng ta đã thực hiện rất thành công chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi và đạt kết quả tốt. Vì thế, chiến dịch tiêm phòng bạch hầu trên quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ nhằm ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan và tạo tiền đề vững chắc phòng chống dịch các năm tiếp theo.